Sáng 16/8, Bộ Công thương đã tổ chức Hội nghị phát triển kinh tế khu vực biên giới theo hình thức trực tuyến. Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lào Cai có đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh.
Theo báo cáo của Bộ Công thương, năm 2020, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến hầu hết các ngành, lĩnh vực và các tỉnh biên giới tăng trưởng chậm lại. Việc đứt gãy chuỗi cung ứng và sản xuất trên thế giới cũng ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, hoạt động xuất – nhập khẩu của Việt Nam, nhưng 24/25 tỉnh biên giới vẫn đạt mức tăng trưởng dương (trừ Quảng Nam tăng trưởng -7%); trong đó, 15 tỉnh có mức tăng trưởng GRDP cao hơn mức bình quân của cả nước (2,91%). 6 tháng đầu năm 2021, tất cả các địa phương biên giới tăng trưởng dương, 20 tỉnh có mức tăng trưởng GRDP cao hơn mức tăng bình quân của cả nước (5,64%).
Đánh giá của Bộ Công thương cho thấy, mặc dù tăng trưởng dương nhưng cơ cấu kinh tế tại khu vực biên giới vẫn còn chậm chuyển dịch. Sản xuất công nghiệp tại khu vực biên giới còn hạn chế, chưa tạo ra sản phẩm chủ lực, năng lực cạnh tranh yếu. Đa số người dân khu vực biên giới chưa có mô hình sản xuất kinh tế, việc làm ổn định… Thương mại biên giới quy mô nhỏ, mất cân đối; nguồn vốn đầu tư hạ tầng hạn chế, hạ tầng thương mại thiếu và yếu…
Tại hội nghị, đại diện một số địa phương biên giới đã đề xuất, kiến nghị những nội dung trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông, thương mại biên giới, logistics, cơ chế chính sách… để phát triển kinh tế khu vực biên giới.
hát biểu tại hội nghị, đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lào Cai đề nghị Bộ Công thương ủng hộ Lào Cai trong việc báo cáo Chính phủ và các bộ, ngành liên quan quan tâm đầu tư nâng cấp đường cao tốc, đường sắt, đầu tư cầu biên giới và các cơ sở hạ tầng khác của Khu kinh tế cửa khẩu; tham mưu báo cáo Chính phủ xây dựng chính sách đặc thù cho 8 cửa khẩu trọng điểm quốc gia như tăng hạn mức đầu tư, để lại nguồn thu từ khu kinh tế cửa khẩu để tái đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng… và cho phép tỉnh Lào Cai được thí điểm xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Lào Cai – Vân Nam; hỗ trợ tỉnh Lào Cai đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics thông qua giới thiệu định hướng doanh nghiệp lớn về logistics đến đầu tư tại Lào Cai, đàm phán với phía Trung Quốc để tháo gỡ các khó khăn, thường xuyên trao đổi cung cấp thông tin về chính sách, thị trường tại Trung Quốc, hỗ trợ chuyên môn nghiệp vụ…; hỗ trợ đầu tư chợ đầu mối xuất khẩu và các chợ biên giới khác, hình thành các cặp chợ biên giới, xây dựng danh mục hàng hóa trao đổi cư dân biên giới linh động theo từng cửa khẩu và giai đoạn; đồng thời, sớm hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý về thương mại điện tử và thương mại điện tử qua biên giới.
Kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định: Sau khi tiếp thu ý kiến các địa phương, bộ, ngành, hội nghị thống nhất đề nghị Trung ương, Chính phủ 8 nhóm giải pháp: Trong đó, tập trung xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển công nghiệp, nông nghiệp và thương mại dịch vụ của các địa phương khu vực biên giới; tiếp tục nghiên cứu đề xuất những chính sách đủ mạnh, khả thi để hấp dẫn với các nhà đầu tư; ưu tiên bố trí vốn ngân sách để đầu tư hạ tầng thương mại cơ bản; tận dụng tốt quan hệ qua biên giới và các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký với các quốc gia…; kịp thời nâng cấp, mở mới các cặp cửa khẩu trên cơ sở thỏa thuận song phương; tiếp tục nâng cao chất lượng sản xuất, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu chính ngạch, quản lý chặt chẽ chính sách trao đổi hàng hóa cư dân biên giới, tránh lợi dụng để xuất khẩu tiểu ngạch; cần có cơ chế, chính sách hấp dẫn để thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào khu vực biên giới, đảm bảo phát triển xanh, bền vững và thân thiện với môi trường; tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn bán hàng giả và gian lận thương mại tại các khu vực biên giới.
Về kiến nghị của các địa phương, đề nghị các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Công thương chuyển ý kiến của các địa phương liên quan đến các ngành nghiên cứu giải đáp; đối với các kiến nghị thuộc thẩm quyền của Bộ Công thương, đề nghị các cơ quan thuộc Bộ nghiên cứu trả lời, đồng thời tổng hợp, xây dựng các kiến nghị liên ngành đề đề xuất giải pháp, kiến nghị với Trung ương và Chính phủ.
Theo Báo Lào Cai