Vừa qua, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh – Tổng Giám đốc của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (mã cổ phiếu MVN – sàn UPCoM) cho biết tình hình triển khai một số dự án cảng biển trọng điểm của tổng công ty về cơ bản đang đạt tiến độ như kế hoạch đề ra.
Đáng chú ý, lãnh đạo Hàng hải Việt Nam cho biết dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đã được tổng công ty bổ sung hồ sơ và giải quyết cơ bản các thủ tục liên quan trong năm 2024. Tổng công ty sẽ phối hợp với đối tác để hoàn thiện thủ tục chuẩn bị, sẵn sàng tham gia đầu tư trong năm 2025.
Như Tạp chí Công Thương đã thông tin, dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ do Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn – Terminal Investment Limited Holding S.A – TIL đề xuất đầu tư triển khai với tổng vốn đầu tư hơn 113.500 tỷ đồng (tương đương hơn 4,5 tỷ USD).
Cảng Sài Gòn là đơn vị thành viên của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam. Trong khi đó, Terminal Investment Limited Holding S.A – TIL là thành viên của MSC – hãng tàu biển lớn hàng đầu thế giới.
Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ dự kiến có quy mô 571 ha với tổng chiều dài bến cảng chính lên tới 7,2 km, có thể đón tàu trọng tải đến 250.000 DWT (tương đương 24.000 TEUs), và chiều dài cảng sà lan là 2 km. Dự án được chia thành 7 giai đoạn đầu tư với công suất tối đa có thể đạt 16,9 triệu TEU vào năm 2047, bằng 50% sản lượng của Cảng Singapore hiện nay.
Dự án được quy hoạch nằm tại khu vực cù lao Con Chó, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.Hồ Chí Minh. Nơi đây nằm ở cửa sông Cái Mép – Thị Vải, trong vịnh Gành Rái, gần các tuyến hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông, thuận lợi để phát triển cảng trung chuyển quốc tế.
TP.Hồ Chí Minh kỳ vọng Cảng Cần Giờ sẽ sánh ngang với các trung tâm trung chuyển hàng hóa lớn của Đông Nam Á như Singapore và Malaysia và đóng góp 34.000 – 40.000 tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm cho hàng chục nghìn người khi hoạt động hết công suất.
Ngoài việc thúc đẩy sự phát triển hoạt động logistics, Cảng Cần Giờ dự kiến góp phần thu hút các dịch vụ, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm lớn trên thế giới về đặt trụ sở kinh doanh tại khu vực, góp phần thúc đẩy sự hình thành trung tâm tài chính quốc tế tại TP.Hồ Chí Minh.
UBND TP.Hồ Chí Minh đã trình hồ sơ phê duyệt dự án đến Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vào tháng 3/2024. Dự kiến nếu được thông qua, thành phố sẽ đẩy nhanh các bước triển khai, phấn đấu khởi công dự án ngay trong tháng 4/2025, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).
Theo đó, tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng, khai thác cảng giai đoạn 1 trước năm 2030 (đầu tư 2 khu bến chính/7 khu bến chính). Giai đoạn 2 (sau năm 2030 – 2045) sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thành toàn bộ các khu bến chính còn lại.
Theo Báo Công Thương