Báo Xây dựng (Bộ Xây dựng) phối hợp với Viện Đào tạo Tư vấn và Phát triển Kinh tế (IDE) đã tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi xanh ngành Công nghiệp: Ứng dụng khí mới LNG, nền tảng cho lộ trình giảm phải thải khí nhà kính” chiều 30/1 tại Hà Nội.
Hội thảo cung cấp các thông tin từ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng, để đưa ra các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường trong việc ứng dụng khí sạch LNG vào nhà máy sản xuất điện, khu dân cư, xưởng sản xuất thực phẩm, nhiên liệu thay thế cho xăng và dầu trong ngành công nghiệp và xây dựng.
Đây là hội thảo chuyên sâu, phân tích, nhận định đa chiều, khách quan về tầm quan trọng và ý nghĩa của việc chuyển đổi năng lượng sạch. Cung cấp kiến thức cho doanh nghiệp về ứng dụng khí LNG trong khu đô thị, nhà máy sản xuất điện, khu công nghiệp.
Bên cạnh đó, tổng hợp các giải pháp đột phá từ nhà quản lý, chuyên gia, đại diện doanh nghiệp… về sử dụng dữ liệu phát thải, phương pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, xây dựng lộ trình chuyển đổi năng lượng sạch cho doanh nghiệp công nghiệp, xây dựng và cơ sở hạ tầng…
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, LNG là loại khí thiên nhiên có độ tin cậy cao, an toàn cho con người và môi trường; đây được coi là nhiên liệu hóa thạch sạch nhất, có hiệu quả kinh tế cao nhất. Với các tài liệu đã được công bố trước đó từ một số cơ quan quản lý năng lượng uy tín, trữ lượng LNG trên thế giới còn dồi dào, đủ sức đáp ứng nhu cầu tiêu thụ lâu dài của nhân loại.
Một số ứng dụng phổ biến nhất của LNG trong đời sống, sản xuất là làm nhiên liệu thay thế cho than đá trong buồng đốt tại nhiều nhà máy nhiệt điện; hệ thống sưởi ấm, hệ thống sấy khô trong các khu dân cư và xưởng sản xuất thực phẩm; thay thế cho xăng, dầu diesel; trong các ngành công nghiệp nặng như luyện kim, sản xuất gạch, gốm sứ…
Chính phủ và các cơ quan quản lý năng lượng tại Việt Nam đã và đang nhận thức rõ tầm quan trọng của LNG đối với việc phát triển kinh tế trong nhiều năm tới. Theo quy hoạch điện VIII, các nhà máy nhiệt điện sử dụng LNG sẽ được đầu tư xây dựng liên tục trong giai đoạn 2025 – 2030; đồng thời, các dự án nhiệt điện sử dụng than đá trên toàn quốc đã không được xem xét phát triển và được yêu cầu thay thế bằng LNG thân thiện với môi trường.
Qua tìm hiểu, nhu cầu khí nhập khẩu LNG ở Việt Nam sẽ giao động từ 55 – 60%, sử dụng LNG tập trung ở 4 lĩnh vực: Sản xuất điện; công nghiệp; sản xuất phân bón, hóa dầu. Trong bối cảnh về chuyển dịch năng lượng, có 4 xu hướng phát triển của LNG: LNG quy mô nhỏ, LNG trung hòa carbon, đồng đốt trong nhà máy điện, Hydrogen lam.
Theo TS Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, nhu cầu LNG trong nước đang gặp nhiều khó khăn như thiếu cơ chế, chính sách cho hoạt động của chuỗi tiêu thụ điện LNG; hành lang pháp lý cho hoạt động độc lập và tự chủ của PVN/EVN hạn chế, cách tiếp cận và xử lý của cơ quan quản lý các cấp chậm… làm giảm hiệu quả và nhiệt huyết của các nhà đầu tư, đối tác trong chuỗi dự án.
“Thực trạng này đặt ra vấn đề cần có các nhóm giải pháp đồng bộ để mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ điện theo mục tiêu của các quy hoạch Điện; sửa đổi Luật Điện lực, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thuế, Luật Đầu tư và các Nghị định hướng dẫn; cập nhật và sửa đổi điều lệ, quy chế, đảm bảo các doanh nghiệp có cơ sở pháp lý mua bán LNG và mua bán điện. Đặc biệt, cần thiết có quy hoạch đầu tư, xây dựng, vận hành, khai thác LNG…”, TS đề xuất.