Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đánh giá, 9 tháng vừa qua, khối lượng công việc của Bộ GTVT rất lớn với tổng vốn đầu tư công được giao lớn nhất từ trước đến nay – Ảnh: VGP/PT
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công, khởi công loạt dự án giao thông đường bộ, hàng không trọng điểm ngay trong những tháng cuối năm 2022.
Báo cáo kết quả giải ngân vốn đầu tư công tại Hội nghị giao ban quý 3/2022 của Bộ GTVT sáng nay (27/9), ông Lưu Quang Thìn, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Kế hoạch – Đầu tư (Vụ KH-ĐT) cho biết, năm 2022, Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao 50.327 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công. Đây là khối lượng giải ngân được giao lớn nhất từ trước đến nay.
Giải ngân đạt gần 54%
Dự kiến, đến hết tháng 9/2022, Bộ GTVT giải ngân khoảng 27.027 tỷ đồng, đạt 53,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (gồm 2.933 tỷ đồng vốn nước ngoài, đạt 60,1% và 24.094 tỷ đồng vốn trong nước, đạt 53%).
Kết quả giải ngân hết tháng 9/2022 vẫn duy trì ở mức cao hơn bình quân chung của các bộ, cơ quan Trung ương và bình quân chung cả nước (47%).
Từ nay tới cuối năm, Bộ GTVT cần tiếp tục giải ngân khoảng 23.301 tỷ đồng (46,3%). Riêng quý 4/2022, ước tính Bộ GTVT cần giải ngân khoảng 21.000 tỷ đồng, trong tháng 1/2023 cần giải ngân khoảng 2.300 tỷ đồng.
Các nhóm dự án cần tập trung giải ngân gồm 12 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 cần giải ngân khoảng 8.335 tỷ đồng (chủ yếu dành cho công tác giải phóng mặt bằng).
Các dự án ODA cần giải ngân khoảng 2.780 tỷ đồng, chủ yếu tập trung tại các dự án: Tân Vạn – Nhơn Trạch; Tuyến nối Quốc lộ 91 và Tuyến tránh TP. Long Xuyên; Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên; Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía bắc; VRAMP; LRAMP; Dự án cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ sử dụng vốn vay EDCF (giai đoạn I); Dự án nâng cấp, mở rộng QL9 đoạn từ cảng Cửa Việt đến QL1.
Đánh giá khối lượng giải ngân còn lại khá lớn, đại diện Vụ KH-ĐT đề nghị các chủ đầu tư/ban quản lý dự án rà soát, cập nhật kế hoạch thực hiện của các dự án khởi công mới, cụ thể theo các mốc tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư, thực hiện đầu tư tương ứng với nhu cầu sử dụng vốn năm 2022 để làm cơ sở đánh giá kết quả thực hiện với từng dự án và điều hành tổng thể kế hoạch năm 2022.
Cuối năm 2022 khởi công đường băng, nhà ga sân bay Long Thành
Ghi nhận nỗ lực của các đơn vị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu cuối năm nay, 4 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1 (Mai Sơn – QL45, Cam Lộ – La Sơn, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây) phải thông xe.
“Thời tiết đã chuyển vào mùa khô, tất cả nhà thầu phải quyết tâm vượt khó, tổ chức thi công ‘3 ca, 4 kíp’. Tăng tốc tiến độ phải song hành với bảo đảm chất lượng dự án, phát huy hiệu quả đầu tư”, Bộ trưởng yêu cầu.
Đối với Dự án sân bay Long Thành, theo Bộ trưởng, hiện, công tác thi công đất đạt được 15-16 triệu m3 nhưng vẫn chậm so với tiến độ yêu cầu. Trong 9 tháng tới (đến tháng 6/2023), các nhà thầu phải xong toàn bộ công tác đất (110 triệu m3 đất).
“Tính đến nay, 1.545 cọc khoan nhồi của toàn bộ nhà ga cũng đã hoàn thành. Các đơn vị cũng cần khẩn trương khởi công nhà ga vào cuối tháng 11/2022. Đường băng sân bay Long Thành cũng phải được khởi công vào cuối năm 2022”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Với công trình nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Bộ trưởng đưa ra yêu cầu phải khởi công vào đầu tháng 10/2022, không thể chậm trễ thêm.
Đối với Dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá các Ban QLDA đang bám sát tiến độ rất tốt. Thời gian tới, các ban QLDA tiếp tục bám lộ trình đến ngày 31/10 xong thiết kế dự án, chậm nhất đến ngày 15/11 phê duyệt toàn bộ dự toán của dự án, sẵn sàng khởi công toàn bộ 12 dự án thành phần vào cuối tháng 12/2022 theo yêu cầu của Chính phủ.
Tăng cường siết tải trọng xe, bảo đảm an toàn giao thông cuối năm
Cũng tại Hội nghị, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia thông tin: Năm 2022, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông thực hiện trong bối cảnh đặc biệt, nền kinh tế phục hồi rất nhanh, số lượng phương tiện, số chuyến đi tham gia giao thông tăng trưởng cao gấp nhiều lần so với thời điểm trước dịch (2019).
Mặc dù có những chiều hướng phức tạp, song so sánh với cùng kỳ 2019, 9 tháng đầu năm 2022 số vụ tai nạn đã giảm 52,5% (tương đương 4.360 vụ), giảm 20% số người chết (giảm 945 người chết) và giảm 73,4% số người bị thương.
Xác định từ nay đến cuối năm, công tác bảo đảm an toàn giao thông còn nhiều nhiệm vụ quan trọng, ông Hùng đề nghị, thời gian tới, lực lượng chức năng các địa phương cần tiếp tục siết chặt công tác kiểm soát tải trọng xe.
“Hiện tại, việc quản lý an toàn vận tải, cơ sở dữ liệu giám sát hành trình đã tương đối tốt. Sau khi sắp xếp lại Tổng cục Đường bộ, Cục Đường bộ Việt Nam cũng cần lập các đoàn kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về sử dụng dữ liệu giám sát hành trình trong xử lý vi phạm giao thông và khẩn trương hoàn thiện trung tâm tiếp nhận dữ liệu hình ảnh từ camera giám sát lắp đặt trên phương tiện, phối hợp xử lý, bảo đảm an toàn vận tải trong những tháng cuối năm”, ông Khuất Việt Hùng đề nghị.
Theo Chinhphu.vn