Làm gì để đạt mục tiêu cắt giảm 20% TTHC trong lĩnh vực kinh doanh?

Làm sao để mục tiêu cắt giảm 20% TTHC đạt kết quả? - Ảnh 1.
Làm sao để mục tiêu cắt giảm 20% TTHC đạt kết quả? - Ảnh 1.

Để đạt mục tiêu cắt giảm 20% TTHC liên quan đến kinh doanh, các doanh nghiệp cần phải tham gia vào quá trình này – Ảnh: VGP/Băng Tâm

Để đạt được mục tiêu cắt giảm 20% thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến hoạt động kinh doanh vào năm 2025, cộng đồng doanh nghiệp phải là đối tượng chính đề xuất những quy định nào lỗi thời, những văn bản nào đang là rào cản cho hoạt động của doanh nghiệp.

Trong hai ngày 27 và 28/9, Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ tổ chức hội nghị tập huấn kỹ năng phân tích, phản biện, tham gia ý kiến về cơ chế, chính sách, TTHC và sử dụng Cổng Tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh cho cán bộ các hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC, Văn phòng Chính phủ, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, mục đích của chương trình này nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp trong tham vấn, phản biện chính sách của Chính phủ, của các bộ, ngành liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.

Đồng thời, giúp Chính phủ kịp thời nhận diện được những văn bản pháp quy không còn phù hợp, đang trở thành rào cản cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi.

Ông Phan cho biết, Thủ tướng đã chỉ đạo không tạo tầng nấc trung gian trong giải quyết TTHC. Trên tinh thần như vậy, trong vòng 6 tháng, Văn phòng Chính phủ cùng với các bộ, ngành, địa phương đã thống nhất được 699 TTHC ở trên 100 lĩnh vực quản lý cần phải phân cấp từ Trung ương xuống địa phương, từ địa phương cấp trên xuống địa phương cấp dưới để rút ngắn thời gian, giảm khâu trung gian giải quyết TTHC, giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Với sự lãnh đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, nhiều kết quả nổi bật được ghi nhận.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa hơn 1.100 quy định, phân cấp thẩm quyền giải quyết 699 TTHC trên 100 lĩnh vực. Các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.758 quy định tại 143 văn bản quy phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, cả nước đã lập được 11.700 bộ phận Một cửa các cấp để tiếp nhận, giải quyết TTHC, thành lập 56 trung tâm dịch vụ hành chính công. Đến nay đã có hơn 3.800 dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia với gần 130 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, giao dịch thanh toán trực tuyến trên 2.800 tỷ đồng…

Chưa hài lòng với kết quả đã đạt trong giải quyết TTHC, Chính phủ tiếp tục ban hành kế hoạch rà soát TTHC trong từng bộ thủ tục hành chính. Trong đó tập trung vào các quy định liên quan đến quản lý kinh doanh.

Nghị quyết 68 ban hành ngày 12/5/2020 của Chính phủ đặt ra chỉ tiêu đến năm 2025 cắt giảm ít nhất 20% quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh

Chính phủ đã xây dựng Cổng Tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh, cung cấp thông tin chính thống, toàn diện về các quy định kinh doanh, tạo kênh tương tác đa chiều, nhằm nhanh chóng gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Sự ra đời của Cổng Tham vấn và tra cứu kinh doanh cùng với sự hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp được kỳ vọng tác động mạnh mẽ đến việc cải thiện môi trường kinh doanh.

Để đạt được mục tiêu cắt giảm 20% TTHC liên quan đến hoạt động kinh doanh, ông Ngô Hải Phan cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp phải là đối tượng chính đề xuất những quy định nào lỗi thời, những văn bản nào đang là rào cản cho hoạt động của doanh nghiệp. Có như vậy thì mục tiêu cắt giảm, đơn giản hoá TTHC của Thủ tướng Chính phủ mới mang lại hiệu quả trên thực tế.

Thông qua các chương trình tập huấn, các chuyên gia của Dự án kết nối doanh nghiệp nhỏ và vừa LinkSME do USAID tài trợ, cùng với Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ sẽ hướng dẫn chi tiết cho cán bộ các hiệp hội ngành nghề thao thác kỹ thuật khi tương tác trên Cổng Tham vấn và tra cứu kinh doanh, để xây dựng kênh tương tác thuận tiện cho cộng đồng doanh nghiệp cùng Chính phủ xây dựng chính sách pháp luật, tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho môi trường kinh doanh ở Việt Nam.

Theo Chinhphu.vn

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo