Với nhiều quy định mới chặt chẽ, minh bạch, Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 153/2020/NĐ-CP về chào bán trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ vừa được Chính phủ ban hành, được kỳ vọng sẽ tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho DN huy động vốn, bảo vệ nhà đầu tư và góp phần giúp thị trường phát triển.
Theo đó, các DN muốn phát hành TPDN riêng lẻ sẽ chịu thêm nhiều ràng buộc về trách nhiệm công bố thông tin. Phương án phát hành TPDN phải bổ sung các chỉ tiêu tài chính trong 3 năm liền kề và sự thay đổi sau khi phát hành (nếu có); DN phát hành phải báo cáo định kỳ về tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ và phải được kiểm toán…
Nghị định 65 cũng nâng cao tiêu chuẩn về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Đó là, bên cạnh việc nắm giữ danh mục ít nhất 2 tỷ đồng thì nhà đầu tư còn phải duy trì con số này bình quân 180 ngày liền kề. Dù Nghị định 65 chưa thể xử lý triệt để lỗ hổng pháp lý về vấn đề này, song điều khoản nghiêm ngặt đó sẽ khiến các hình thức “lách luật” trở nên đắt đỏ hơn. Cùng với đó, việc nâng mệnh giá TPDN từ 100.000 đồng lên 100 triệu đồng sẽ khiến cơ cấu nhà đầu tư cá nhân thời gian tới giảm đi nhiều so với thực tế hiện nay. Quy định mới về nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp được kỳ vọng giúp giảm thiểu khả năng gian lận thông qua tài khoản vay ký quỹ, hợp đồng ủy thác/góp vốn đầu tư…
Song song với các quy định kiểm soát trên, nhà đầu tư cá nhân cũng được bảo vệ quyền lợi bằng việc bổ sung các quy định về quyền biểu quyết. Cụ thể, nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp sở hữu TPDN từ 65% trở lên tổng số trái phiếu cùng loại đang lưu hành thì có quyền thông qua việc DN thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu; có quyền yêu cầu DN phát hành mua lại trái phiếu nếu đơn vị này vi phạm các điều kiện được nêu nhưng không thể khắc phục hoặc biện pháp khắc phục không được chấp thuận.
Ngoài ra, theo tổ chức xếp hạng tín nhiệm FiinGroup, Nghị định 65 dự báo sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro mất cân đối nguồn vốn hệ thống ngân hàng. Thực tế, tín dụng bất động sản có đến 94% nguồn vốn là cho vay trung, dài hạn và đang đè nặng lên hệ thống ngân hàng thương mại vốn có bản chất huy động ngắn hạn. Mặt khác, tính đến hết tháng 6, dư nợ TPDN đang lưu hành mới đạt gần 1,5 triệu tỷ đồng và chỉ tương đương 1/3 tổng dư nợ tín dụng vay trung, dài hạn. Điều đó đồng nghĩa, thị trường TPDN còn nhiều dư địa phát triển. Nghị định 65 tạo hành lang pháp lý và chế tài rõ ràng sẽ khuyến khích thêm nhiều DN tiếp cận kênh trái phiếu, từ đó giảm tải gánh nặng đối với nguồn tín dụng hiện nay, trả lại chức năng của kênh tín dụng ngân hàng là nguồn vốn ngắn hạn tập trung cho vay tiêu dùng và mua nhà.
Cũng theo Nghị định 65, các DN thuộc diện cần xếp hạng phải bổ sung kết quả xếp hạng tín nhiệm vào hồ sơ chào bán trái phiếu riêng lẻ. Điều này sẽ giúp loại bỏ vấn đề bất cân xứng thông tin giữa DN phát hành và nhà đầu tư cá nhân. Mặt khác, với DN cần xếp hạng, nếu có tình hình tài chính lành mạnh, có dự án tốt thì có thể huy động được vốn với chi phí thấp hơn.
Sau khoảng thời gian hoạt động rầm rộ, thị trường TPDN lại trầm lắng kể từ khi những vi phạm trong phát hành trái phiếu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị phát hiện. Do đó, việc ban hành Nghị định 65 sẽ lấp những lỗ hổng pháp lý hiện hành, tạo điều kiện cho những DN có năng lực, hồ sơ minh bạch tham gia hoạt động phát hành, huy động vốn. Những quy định về điều kiện, hồ sơ chào bán và trách nhiệm của DN phát hành; tính chuyên nghiệp của nhà đầu tư; cơ chế quản lý, giám sát… có thể khiến một số DN khó khăn trong phát hành trái phiếu, nhưng đó là điều cần thiết để thị trường TPDN Việt Nam phát triển lành mạnh, bền vững.
Theo SGGP