Sản phẩm công nghiệp nông thôn Gia Lai khẳng định vị thế trên thị trường

Sau khi được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực năm 2020, thị trường tiêu thụ của bò khô Huy Vũ ngày càng mở rộng. Ảnh: Quang Tấn
Sau khi được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực năm 2020, thị trường tiêu thụ của bò khô Huy Vũ ngày càng mở rộng. Ảnh: Quang Tấn
Sau khi được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực năm 2020, thị trường tiêu thụ của thịt bò khô Huy Vũ ngày càng mở rộng. Ảnh: Quang Tấn
Để thích ứng với nền kinh tế thị trường ngày càng hội nhập sâu rộng, nhiều nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tỉnh Gia Lai đã chú trọng đầu tư chế biến sâu các mặt hàng nông sản đặc trưng của địa phương. Từ đó, nhiều sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu từ cấp tỉnh đến cấp quốc gia đã được tạo ra, khẳng định uy tín, chất lượng, khả năng cạnh tranh trên thị trường và mang lại giá trị kinh tế cao.
Thị trường mở rộng
Công ty TNHH một thành viên Bò khô Huy Vũ (thị trấn Đak Đoa) là một trong những doanh nghiệp tiên phong của tỉnh ở lĩnh vực chế biến thịt bò khô. Tận dụng thế mạnh vùng nguyên liệu, Công ty từng bước xây dựng, mở rộng quy mô và chế biến ra nhiều sản phẩm thịt bò khô mang thương hiệu đặc trưng. Đặc biệt, bộ sản phẩm thịt bò khô (thịt bò sợi và thịt bò miếng) vinh dự được chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực năm 2020. Sau đó, bộ sản phẩm này tiếp tục được UBND tỉnh cấp chứng nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh. Đây là tiền đề để các sản phẩm của Công ty tiếp cận, mở rộng thị trường và từng bước khẳng định thương hiệu.
Ông Huỳnh Quốc Hiệu-Giám đốc Công ty-cho biết: “Từ khi có sản phẩm được chứng nhận OCOP, Công ty được các cấp, các ngành hỗ trợ, tạo điều kiện tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Nhờ đó, sản phẩm của Công ty được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến, tin dùng. Đến nay, các sản phẩm thịt bò khô của Công ty đã có mặt tại 40 tỉnh, thành trong cả nước với 6 đại lý cấp 1 và hàng chục đại lý cấp 2. Bình quân mỗi tháng, Công ty tiêu thụ khoảng 3 tấn sản phẩm thịt bò khô. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, bên cạnh chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu bền vững, chất lượng, Công ty cũng đang mở rộng cơ sở chế biến, đầu tư thêm công nghệ nhằm tạo ra những sản phẩm tốt nhất, an toàn nhất khi đến tay người tiêu dùng”.
Sau khi được UBND huyện cấp quyền khai thác và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Gạo Phú Thiện-Gia Lai, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Chư A Thai (xã Ia Ake) đã không ngừng mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Đặc biệt, mới đây, sản phẩm gạo Phú Thiện đã được cấp chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và là 1 trong 12 sản phẩm của Gia Lai vinh dự tham gia bình chọn cấp khu vực. Đây vừa là niềm tự hào, vừa mở ra cơ hội để HTX Nông nghiệp Chư A Thai tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, từng bước nâng tầm thương hiệu Gạo Phú Thiện-Gia Lai ngày một vươn xa.
Ông Nghĩa cho biết, sản phẩm gạo Phú Thiện ngày càng được người tiêu dùng đón nhận và tin dùng trong cả nước. Ảnh: Quang Tấn

Sản phẩm gạo Phú Thiện của HTX Nông nghiệp Chư A Thai ngày càng được người tiêu dùng đón nhận và tin dùng. Ảnh: Quang Tấn

Theo ông Phạm Ngọc Nghĩa-Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp Chư A Thai, hiện nay, HTX đã mở rộng vùng nguyên liệu lên hơn 200 ha, tập trung vào các giống lúa chất lượng cao và sản xuất theo cánh đồng lúa 1 giống. Cùng với đó, HTX chú trọng áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP từ khâu làm đất, chọn giống, bón phân, phun thuốc đến thu hoạch, chế biến, bảo quản rất nghiêm ngặt. Đồng thời, HTX chú trọng dán tem truy xuất nguồn gốc hàng hóa nhằm tránh hàng giả, hàng nhái, góp phần tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Nhờ đó, giá trị các sản phẩm lúa gạo của HTX ngày càng nâng lên, được người tiêu dùng trong cả nước tin tưởng. Trung bình mỗi năm, HTX tiêu thụ khoảng 400 tấn gạo. “Trong thời gian tới, HTX tiếp tục chú trọng xây dựng, mở rộng quy mô vùng nguyên liệu cũng như đầu tư công nghệ để sản xuất ra sản phẩm gạo chất lượng cao phục vụ người tiêu dùng. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối cung-cầu nhằm tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm gạo Phú Thiện. Qua đó, từng bước phát triển thương hiệu Gạo Phú Thiện-Gia Lai ngày càng vươn xa trên cả nước và hướng đến xuất khẩu, góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng lúa”-ông Nghĩa thông tin thêm.
Theo ông Nguyễn Duy Lộc-Phó Giám đốc Sở Công thương, các sản phẩm công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh đã khẳng định được chất lượng, giá trị sử dụng, tiềm năng sản xuất và thị trường ngày càng mở rộng, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng trong và ngoài nước. Thông qua 6 lần bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu từ cấp tỉnh, khu vực đến cấp quốc gia, nhiều sản phẩm của tỉnh đã được vinh danh. Cụ thể, 147 sản phẩm đạt giải công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh; 29 sản phẩm đạt giải công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực và 11 sản phẩm đạt giải công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia. Từ những kết quả đó, các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu như: cà phê Thu Hà, cà phê Ba Ka, hạt điều Hải Bình… được hỗ trợ phát triển sản xuất, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.
Chú trọng xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm
Ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa-cho biết: Đến nay, toàn huyện có 5 sản phẩm công nghiệp nông thôn các cấp. Đây đều là các sản phẩm tiêu biểu của huyện, có các chuỗi liên kết sản xuất bền vững giữa người dân với doanh nghiệp, HTX. Việc người dân, các HTX, doanh nghiệp trên địa bàn chú trọng đầu tư chế biến sâu tạo ra các sản phẩm công nghiệp nông thôn đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, làm cho giá trị ngành nông nghiệp của huyện gia tăng, tạo đà cho quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp địa phương trong những năm qua.
“Để các sản phẩm công nghiệp nông thôn cũng như sản phẩm OCOP ngày càng được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến, huyện sẽ tiếp tục tạo điều kiện để các chủ thể tham gia các hội chợ, triển lãm, sàn thương mại điện tử, chợ nông sản. Đồng thời, định hướng cho người dân, HTX, doanh nghiệp chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu, sản xuất theo quy trình kỹ thuật đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm; hỗ trợ bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Ngoài ra, huyện cũng sẽ tạo mọi điều kiện để khuyến khích, hỗ trợ người dân, HTX, doanh nghiệp biến các ý tưởng thành những sản phẩm mới chất lượng, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng nhằm mang lại giá trị gia tăng cao hơn”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa cho hay. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Kim Anh cũng cho rằng, để sản phẩm công nghiệp nông thôn ngày càng phát triển thì tỉnh cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân mua sắm trang-thiết bị, máy móc, xây dựng nhà xưởng.
Còn ông Phạm Văn Quyến-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện thì thông tin: Thời gian vừa qua, huyện triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ người dân, HTX, doanh nghiệp phát triển các sản phẩm công nghiệp nông thôn, OCOP. Trong đó, huyện đã tạo điều kiện để các chủ thể có sản phẩm tham gia xúc tiến thương mại tại các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh. Qua đó, nhiều sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng của huyện được người tiêu dùng trong cả nước biết đến. Ông Quyến cho biết thêm: “Thời gian tới, cùng với việc đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện sẽ tập trung xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, hình thành các vùng nguyên liệu đảm bảo cung cấp cho các cơ sở, nhà máy chế biến. Đồng thời, hỗ trợ người dân, HTX, doanh nghiệp đưa các sản phẩm chủ chốt của huyện lên sàn giao dịch thương mại, tham gia các hội chợ để tiếp cận, mở rộng thị trường. Ngoài ra, huyện cũng chú trọng hướng dẫn các chủ thể xây dựng các sản phẩm đạt chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, hỗ trợ bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc nhằm nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm”.
Để sản phẩm công nghiệp nông thôn của tỉnh ngày càng phát triển và đủ sức cạnh tranh trên thị trường, Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Duy Lộc cho biết: Trong thời gian tới, Sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện tốt Chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại đã được phê duyệt nhằm tạo động lực phát triển công nghiệp nông thôn. Đồng thời, tiếp tục tổ chức hỗ trợ các đơn vị sản xuất công nghiệp nông thôn đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến để phục vụ sản xuất, chế biến sâu nguồn nguyên liệu nông sản chủ lực của tỉnh, nhất là đối với sản phẩm dược liệu theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra. Đặc biệt, chủ động phối hợp giữa hoạt độngkhuyến công, thương mại, khuyến nông để hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ, triển lãm, sàn thương mại điện tử; hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn xây dựng website để tạo điều kiện thuận lợi quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm trong nước cũng như xuất khẩu…
Theo Sở Công thương, dự kiến trong năm 2022, tỉnh sẽ triển khai 11 đề án, nhóm đề án hỗ trợ máy móc thiết bị với tổng kinh phí hơn 3,2 tỷ đồng. Trong đó, vốn kinh phí khuyến công Trung ương hỗ trợ 1,6 tỷ đồng, kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ hơn 1,65 tỷ đồng. Đồng thời, hỗ trợ 1 đề án xây dựng và đăng ký nhãn hiệu đối với các sản phẩm công nghiệp nông thôn trong tỉnh với kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 175 triệu đồng và 1 đề án hỗ trợ các phòng trưng bày để giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại cơ sở công nghiệp nông thôn có sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh trở lên từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 100 triệu đồng.
Theo Báo Gia Lai

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo