Trong khi hầu hết các ứng dụng dịch vụ tài chính đều tập trung vào khu vực thành thị, thì Mfast lại đang đi ngược dòng.
Có thể nói, Việt Nam là một quốc gia có tỷ lệ dân số trẻ, khả năng nắm bắt xu thế nhanh, lại rất được các nhà đầu tư quốc tế quốc tế quan tâm.
Điều này tạo cơ hội rất lớn cho Fintech phát triển. Theo dự báo, năm 2022, giá trị giao dịch của thị trường Fintech Việt Nam tăng lên mức 10 – 11 tỷ USD và sẽ tiếp tục tăng mạnh hơn vào những năm sau.
Tuy nhiên, gần 70% dân số ở khu vực nông thôn Việt Nam còn gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp cận với các dịch vụ tài chính và bảo hiểm. Thực tế này do dữ liệu tín dụng của nhóm dân cư này chưa phát triển, họ thường gặp khó khăn về giấy tờ, thủ tục khi làm việc trực tiếp với ngân hàng và đây được cho là cơ hội cho các Fintech.
Ứng dụng dịch vụ tài chính MFast ra đời nhằm kết nối các tổ chức tài chính, bảo hiểm và sử dụng mạng lưới đại lý bán hàng với người dùng MFast trên toàn quốc.
Mới đây, họ vừa huy động được 2,5 triệu USD do quỹ đầu tư Ascend Vietnam Ventures dẫn dắt, nâng tổng số tiền gọi vốn của MFast lên 4 triệu USD. Qua hai năm hoạt động, MFast đã sở hữu hơn 600.000 người dùng qua các gói dịch vụ tài chính và bảo hiểm. Đồng thời, công ty cũng có một mạng lưới 92.000 đại lý, cộng tác viên trên khắp 63 tỉnh thành.
Tuy nhiên, đến nay Việt Nam vẫn chưa có cơ chế thử nghiệm Fintech, nên môi trường pháp lý đối với hoạt động này chưa rõ ràng, gây khó khăn đối với việc phát triển hệ sinh thái của các startup như kiểu Mfast. Điều này làm cho các quỹ đầu tư e ngại trong vấn đề rót vốn, khiến các công ty Fintech gặp nhiều trở ngại trong khả năng mở rộng quy mô.
Ngoài ra, thói quen chi tiêu và sử dụng tiền mặt trong người dân vẫn còn khá cao, đây vừa là tiềm năng nhưng cũng vừa là thách thức dẫn đến khó khăn trong việc mở rộng thị phần của các Fintech, đặc biệt là các startup mới mẻ và lạ lẫm như Mfast.
Theo Diendandoanhnghiep.vn