Chính thức thông xe toàn tuyến cao tốc gần 600 km dài nhất Việt Nam

Đây là tuyến cuối cùng được hoàn thành của tuyến đường cao tốc xuyên tỉnh Quảng Ninh với tổng chiều dài 176 km, chiếm 16,8% tổng chiều dài đường cao tốc hiện có của cả nước (176 km/1.046 km).

Công trình được hoàn thành đã kết nối đồng bộ với cao tốc Vân Đồn – Hạ Long – Hải Phòng – Hà Nội – Lào Cai, tạo thành tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam với gần 600km.

Sáng 1/9, tại Quảng Ninh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành tuyến đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái. Đây là đoạn cuối cùng trong tuyến đường cao tốc dài nhất Việt Nam gần 600 km từ Lào Cai tới Quảng Ninh, khẳng định bài học “nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ lòng dân”.

Cùng tham dự sự kiện do tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn Sun Group phối hợp tổ chức có các đồng chí: Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương.

    Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành tuyến đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái

Tuyến cao tốc Vân Đồn-Móng Cái dài 80 km, vận tốc thiết kế 120 km/h, có tổng vốn đầu tư khoảng 44.000 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư của tỉnh khoảng 15.000 tỷ đồng chiếm 35,5%, vốn các doanh nghiệp tư nhân khoảng 28.000 tỷ đồng chiếm 64,5%.

Đây là tuyến cuối cùng được hoàn thành của tuyến đường cao tốc xuyên tỉnh Quảng Ninh với tổng chiều dài 176 km, chiếm 16,8% tổng chiều dài đường cao tốc hiện có của cả nước (176 km/1.046 km). Tuyến cao tốc xuyên tỉnh này được lập quy hoạch ngay từ năm 2012.

Cùng với sự kiện này, tuyến đường cao tốc dài nhất Việt Nam hiện nay chính thức được thông xe, kết nối Lào Cai-Yên Bái-Hà Nội-Hải Phòng-Hạ Long-Vân Đồn-Móng Cái, dài tổng cộng 571,5 km gồm các đoạn: Hà Nội-Lào Cai 265 km, Hà Nội-Hải Phòng 105,5 km, Hải Phòng-Hạ Long 25 km, Hạ Long-Móng Cái 176 km. Đồng thời, với tuyến đường này và tuyến Lào Cai-Hà Nội-Lạng Sơn, 3 của khẩu quốc tế quan trọng nhất khu vực miền Bắc (Lào Cai, Hữu Nghị và Móng Cái) cũng được kết nối.

Theo báo cáo của tỉnh Quảng Ninh và nhà đầu tư, quá trình lập dự án, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thi công gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc như thể chế, cơ chế chính sách chưa được hoàn thiện (vừa làm, vừa xây dựng, đề xuất, hoàn thiện); các cơ quan chức năng còn có ý kiến khác nhau (phải mất nhiều thời gian thương lượng, trao đổi, thống nhất); đường quốc lộ nhưng do địa phương, doanh nghiệp làm (theo quy định thì quốc lộ chỉ do Trung ương đầu tư).

Các vấn đề kỹ thuật khác như vấn đề độ cao cầu, tĩnh không thông thủy cầu cũng mất nhiều thời gian thương lượng, trao đổi; vấn đề khai thác của nhà đầu tư thế nào khi địa phương cùng đầu tư; việc triển khai đoạn cuối của tuyến cao tốc trong điều kiện có dịch COVID-19, thời tiết phức tạp; vấn đề giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, biến động giá cả vật tư, nguyên liệu…

Tuy nhiên, tất cả những khó khăn đó đã được tỉnh Quảng Ninh nghiên cứu, đề xuất và Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các nhà tư vấn, nhà đầu tư, nhà thầu, Hội đồng thẩm định Nhà nước cùng nhau chung tay tháo gỡ, vận dụng sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật…

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tuyến đường cao tốc kết nối vùng dài nhất Việt Nam đưa Quảng Ninh ngày càng trở thành điểm trung chuyển chiến lược trong khu vực Đông Á-Đông Nam Á, ASEAN-Trung Quốc, Khu vực hợp tác “hai hành lang một vành đai kinh tế” Việt-Trung, hợp tác liên vùng vịnh Bắc Bộ mở rộng, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy liên kết vùng của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng.

Việc hoàn thành tuyến đường cao tốc này có những ý nghĩa quan trọng, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ về phát triển hạ tầng giao thông, nhất là xây dựng hệ thống đường cao tốc; góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về giao thông; tạo động lực, không gian phát triển mới cho vùng trung du miền núi phía bắc, vùng Đồng bằng sông Hồng, trong đó có tỉnh Quảng Ninh.

Tuyến đường cao tốc Vân Đồn-Móng Cái cũng khẳng định sự thành công của mô hình hợp tác công-tư về đầu tư phát triển hạ tầng ở một địa phương, trên tinh thần lấy vốn Nhà nước dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn vốn xã hội.

Tuyến đường thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ, du lịch, phát triển khu công nghiệp, khu đô thị nơi có đường cao tốc đi qua; phục vụ tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và các tỉnh, thành phố có tuyến cao tốc đi qua, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế xanh, phát triển nhanh, phát triển bền vững; góp phần nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân nơi có đường cao tốc đi qua; xây dựng khu vực phòng thủ về quốc phòng, an ninh; phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế ở khu vực biên giới.

Việc xây dựng và vận hành tuyến đường cũng góp phần nâng cao năng lực, quản lý, điều hành của các cán bộ, công chức, viên chức liên quan; các doanh nghiệp đầu tư, thiết kế, giám sát, nhà thầu, có thêm nhiều kinh nghiệm khi tham gia xây dựng đường cao tốc.

Cùng với sân bay, cảng biển, tuyến đường cao tốc đã phá thế “độc đạo” của Quảng Ninh khi trước đây chỉ có Quốc lộ 18. “Quảng Ninh khi có đường cao tốc, có sân bay, có bến cảng thì sẽ tự mình phát triển và vươn lên mạnh mẽ hơn nữa. Năm 2012, thu nhập bình quân đầu người của Quảng Ninh khoảng 2.000 USD, nhưng năm nay sẽ đạt khoảng 8.000 USD, tức tăng gấp 4 lần sau 10 năm”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, chúng ta rút ra được nhiều bài học từ kết quả và ý nghĩa nêu trên  của việc xây dựng, hoàn thành tuyến cao tốc Vân Đồn–Móng Cái.

Theo đó, nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh  bắt nguồn từ lòng dân.

Trung ương, Chính phủ, các bộ, ngành tin tưởng và giao cho địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện việc xây dựng đường cao tốc và thiết kế công cụ để kiểm tra giám sát, kiểm soát quyền lực, chống tham nhũng, tiêu cực.

Địa phương phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, lợi ích của vùng, của đất nước, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể”, đi lên từ “bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển” của mình, không trông chờ, ỷ lại, đồng thời cũng phải tranh thủ được sự giúp đỡ của Trung ương, các bộ, ngành, các địa phương, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Những bài học quan trọng khác là đẩy mạnh hợp tác công-tư để phát triển hạ tầng giao thông là rất cần thiết trong điều kiện nguồn lực nhà nước còn hạn chế; các nhà đầu tư phải tuân thủ pháp luật, có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, kiên trì, kiên quyết thực hiện nhất là khi gặp khó khăn, phức tạp liên quan đến giải phóng mặt bằng, cơ chế chính sách; tranh thủ được sự ủng hộ của nhân dân trong việc giải phóng mặt bằng, nhất là việc bảo đảm cuộc sống của nhân dân ít nhất phải bằng hoặc cao hơn nơi ở cũ.

Một mặt, cần tạo được sự tự tin, trưởng thành của đội ngũ cán bộ, công nhân viên của địa phương khi được giao nhiệm vụ; mặt khác, việc xây dựng và phát triển hạ tầng góp phần đào tạo nguồn nhân lực và năng lực quản trị cho các địa phương.

Các tỉnh, thành phố phải chung tay, chung sức, đồng lòng, đoàn kết để phát triển hạ tầng giao thông. Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu, tổng kết, đánh giá chi phí xây dựng các công trình bằng hình thức hợp tác công tư-tư so với đầu tư công.

Về công việc thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Quảng Ninh và các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện các thủ tục liên quan theo quy định của pháp luật. Thủ tướng đề nghị các địa phương nghiên cứu các mô hình hay, bài học tốt, kinh nghiệm quý trong xây dựng hạ tầng giao thông chiến lược, với tinh thần “cả nước chung tay phát triển hạ tầng”. Trong quá trình triển khai thực hiện, thực tiễn có các vướng mắc, chưa phù hợp với điều kiện đặc thù, các bộ ngành, tỉnh Quảng Ninh và các địa phương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn, cao tốc Vân Đồn-Móng Cái khánh thành và đi vào hoạt động là niềm tự hào của Quảng Ninh trong công tác đầu tư phát triển hạ tầng, khi là địa phương duy nhất cả nước sở hữu tuyến cao tốc dài nhất, hiện đại nhất. Đây cũng là mảnh ghép cuối cùng khẳng định khát vọng về trục giao thông xuyên suốt toàn tỉnh bằng cao tốc, cho thấy chủ trương đúng đắn của Đảng về 3 đột phá chiến lược, hợp tác công-tư (PPP) hiệu quả, sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Con đường là minh chứng cho niềm tin, khát vọng phát triển, tinh thần đại đoàn kết, tinh thần trách nhiệm, vượt khó, ý chí vượt lên, tự lực, tự cường, tư duy đổi mới sáng tạo của các thế hệ lãnh đạo, nhân dân Quảng Ninh và nhà đầu tư, nhằm mục tiêu đưa Quảng Ninh phát triển nhanh hơn, toàn diện hơn, bền vững hơn, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của khu vực kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

Theo VTV

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo