Dentsu được mệnh danh là công ty quan hệ công chúng và quảng bá quốc tế với doanh thu quảng cáo bậc nhất toàn cầu.

Hiện thân tinh thần Samurai

Dentsu ra đời trong bối cảnh quan hệ quốc tế rệu rã; xu hướng khu biệt, hạn chế bang giao là chủ đạo; các cường quốc rốt ráo chạy đua vũ trang chuẩn bị cho chiến tranh thế giới thứ nhất. Rất trùng hợp! Người ta giới thiệu Dentsu là công ty “quan hệ công chúng và quảng bá quốc tế”.

Ở Nhật Bản có câu nói “nếu bạn muốn cả thế giới biết, hãy tìm đến Dentsu”. Đại doanh nghiệp này có mặt ở 124 quốc gia và vùng lãnh thổ, 37.000 nhân viện phục vụ hơn 11.000 khách hàng trên toàn cầu và là “bệ đỡ” cho 70 trong số 100 nhà quảng cáo hàng đầu thế giới. Do đó, Dentsu là quán quân toàn cầu về doanh thu quảng cáo.

Dentsu xử lý các chiến dịch quảng cáo của nhiều công ty blue-chip, và các khách hàng lớn trên toàn cầu. Đặc biệt, Dentsu và các tập đoàn Nhật Bản có mối quan hệ vô cùng khăng khít; những Toyota, Canon, Sanyo, Ajinomoto, Dai-IchiLife,… đều được chắp cánh bởi gã khổng lồ quảng cáo này.

Quá trình ra đời và phát triển của Dentsu là chặng đường không ngừng tìm tòi, thay đổi, sáng tạo, mở rộng phạm vi hoạt động. Ví dụ, năm 1951 Dentsu thành lập Radio Division, quảng cáo thương mại qua radio bắt đầu lên sóng tại Nhật. Hai năm sau, tập đoàn này thành lập Radio and Television Division, khai sinh ra quảng cáo TV.

“Bí kíp” thành công

Để trở thành công ty quảng cáo thành công nhất thế giới, Dentsu đã tiên phong trong mọi xu hướng, từ tấm pano in màu, đến cái bóng đèn neon, led truyền thống; nâng cấp lên truyền thông đa phương tiện và đỉnh cao là quảng cáo dựa trên dữ liệu khách hàng, mang tính dẫn dắt, sắc sảo và mới lạ.

Cuộc cải tổ của Dentsu năm 2009 cho ra đời slogan “Good Inovation”, không chỉ là cải tiến công nghệ, mà còn liên tục cải cách mô hình kinh doanh, cấu trúc bộ máy nhằm phù hợp với yêu cầu thực tiễn, mang lại giá trị cao nhất.

Trên thực tế, khi thị trường marketing bão hòa, người dùng tự tạo cho mình rào cản thông tin bằng hoạt động cơ học (chặn), lẫn tiềm thức (định kiến). Vậy làm sao giúp người dùng vượt qua bức tường này?

Denstu phát minh ra mô hình AISAS, có nghĩa “Chú ý – Quan tâm – Tìm kiếm – Hành động – Chia sẻ”. Đây là phương pháp mà doanh nghiệp này áp dụng với nhiều “chiến dịch truyền thông” dẫn dắt tầm cỡ. Theo các chiến lược gia ở Dentsu, mấu chốt của truyền thông dẫn dắt là tạo ra các “tình huống” làm thay đổi suy nghĩ và hành động của đối tượng.

Hay nói cách khác, Dentsu có “phương pháp luận tâm lý” dành riêng cho từng nhóm khách hàng, theo đó mỗi đối tượng đều có một điểm kích hoạt khác nhau, yêu cầu là phải nắm bắt đặc trưng cá tính độc đáo nhất của họ.

Mặc dù dùng nhiều phương pháp, cả kỹ thuật và “tấn công” tâm lý, mục tiêu cuối cùng của Dentsu là rút ngắn nhất khoảng cách từ tiếp cận thông tin đến hành vi mua hàng, sử dụng dịch vụ.

Theo Diendandoanhnghiep.vn