Samsung đang có kế hoạch đầu tư thêm 3,3 tỷ USD vào Việt Nam trong năm nay, biến Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất mảng kinh doanh mới của mình.

Mảng kinh doanh thứ ba tại Việt Nam

Hồi cuối tháng 12 năm ngoái, Samsung Electro-Mechanics, một công ty của “gã khổng lồ” công nghệ Samsung chuyên sản xuất linh kiện điện tử, đã công bố quyết định đầu tư vào công ty con tại Việt Nam để xây dựng cơ sở sản xuất và cơ sở hạ tầng mảng lưới chip bóng lật (FC-BGA). Khoản đầu tư sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn vào năm 2023.

Khoản đầu tư này nhằm mục đích tích cực đáp ứng sự gia tăng nhu cầu đối với chất nền dạng gói do sự phát triển của chất bán dẫn mạnh hơn và tăng trưởng thị trường. Đồng thời, nó cũng được thiết kế để tạo nền tảng cho việc mở rộng sự hiện diện của công ty trên các thị trường sản phẩm có giá trị gia tăng cao trong dài hạn.

Theo đó, Samsung Electro-Mechanics đang có tham vọng biến công ty con của mình tại Việt Nam như một trung tâm sản xuất mảng lưới bóng chip lật, chủ yếu được sử dụng cho các bộ xử lý trung tâm (CPU) và các đơn vị xử lý đồ họa (GPU) yêu cầu kết nối mạch mật độ cao và hiệu suất cao.

Tiếp đó, vào tháng 2 vừa qua, Samsung đã thông báo đầu tư thêm 920 triệu USD vào nhà máy của mình tại Việt Nam.

Và mới nhất, trên trang chủ của mình, Samsung cho biết họ đang chuẩn bị sản xuất thử nghiệm cho các sản phẩm lưới chip bán dẫn và có kế hoạch mở trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Hà Nội vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Công ty cho biết trung tâm R&D đã hoàn thành khoảng 85%.

Theo Samsung, chất bán dẫn sẽ đánh dấu hoạt động kinh doanh thứ ba của họ tại Việt Nam, nơi công ty sản xuất thiết bị gia dụng và một nửa số điện thoại thông minh trên toàn thế giới của mình.

Trước Samsung, “gã khổng lồ” Intel cũng đã đầu tư vào mảng chất bán dẫn tại Việt Nam.

Trước Samsung, “gã khổng lồ” Intel của Mỹ đã xây dựng Intel Products Việt Nam (IPV), nhà máy lắp ráp và thử nghiệm lớn nhất trong mạng lưới của Intel. Và trong cuộc khủng hoảng chip toàn cầu, IPV không chỉ duy trì hoạt động ổn định mà còn có một số đóng góp sáng tạo giúp lấp đầy sự thiếu hụt về chất bán dẫn. Một trong những sáng kiến quan trọng là cải tiến quy trình xử lý chất nền tại nhà máy.

Đa dạng hóa chuỗi cung ứng

Theo các nhà phân tích, sáng kiến mới nhất ở Việt Nam phản ánh nỗ lực gia tăng của Samsung nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất của mình, trong bối cảnh Trung Quốc đang lo ngại về việc Hàn Quốc có khả năng gia nhập Liên minh Chip 4 do Mỹ khởi xướng.

Liên minh Chip 4 được Mỹ khởi xướng bao gồm Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan, loại trừ Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu và làm tổn hại đến động lực tự cung tự cấp công nghệ của Bắc Kinh.

Nên nhớ, Hàn Quốc hiện tại đang là nhà cung cấp chip nhớ lớn cho Trung Quốc, nơi Samsung và SK Hynix đều đã đầu tư rất lớn để xây dựng và vận hành các xưởng đúc bán dẫn.

Mặc dù, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã tìm cách xoa dịu những lo ngại của Trung Quốc về việc nước này gia nhập liên minh bán dẫn do Mỹ dẫn đầu, nhưng việc họ gia nhập Liên minh chỉ còn là vấn đề thời gian.

Gần đây, những căng thẳng địa chính trị gia tăng và các biện pháp kiểm soát COVID-19 cứng rắn của Trung Quốc đã khiến nhiều nhà sản xuất đa quốc gia trên đại lục cân nhắc chuyển sản xuất sang các nước châu Á khác để giảm thiểu rủi ro chuỗi cung ứng.

Trên thực tế, khá nhiều các công ty đa quốc gia của Hàn Quốc gần đây đã tỏ ra “chán” Trung Quốc, trong đó đặc biệt phải kể đến Samsung. “Gã khổng lồ” Hàn Quốc đã dần chuyển ra khỏi lĩnh vực sản xuất ở Trung Quốc. Vào năm 2020, Samsung đã ngừng sản xuất máy tính cá nhân tại nhà máy ở Tô Châu, một thành phố ở phía nam tỉnh Giang Tô. Trước đó, vào năm 2019, Samsung cũng đã đóng của nhà máy sản xuất điện thoại thông minh cuối cùng của mình ở Huệ Châu, một thành phố ở tỉnh Quảng Đông phía nam.

Trong khi đó, tổng kim ngạch xuất khẩu từ các hoạt động của Samsung tại Việt Nam đạt 34,3 tỷ USD trong nửa đầu năm nay, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm gần 50% trong mục tiêu xuất khẩu năm 2022 là 69 tỷ USD của Việt Nam.

Theo Diendandoanhnghiep.vn