Luật PPP hút vốn tư nhân đầu tư vào hạ tầng

Trong khi đó, phương thức đối tác công – tư (PPP) có thể giúp giải quyết tình trạng khó khăn về vốn này.

Tháng 6/2020, Việt Nam đã thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công – tư (PPP). Tháng 3/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 35/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật PPP và Nghị định 28/2021/NĐ-CP quy định cơ chế quản lý tài chính dự án PPP. Khung pháp lý về PPP của Việt Nam phần lớn đã có. Vậy tiếp theo là gì?

Các dự án PPP thành công bắt đầu bằng việc chuẩn bị kỹ lưỡng. Trong số các dự án PPP tiềm năng, việc sàng lọc dự án hiệu quả là hết sức cần thiết để xác định những dự án có triển vọng nhất.

Sau đó, các dự án này cần được chuẩn bị theo tiêu chuẩn cao. Điều này không chỉ bao gồm việc cấu trúc tài chính phù hợp để phân bổ rủi ro cho các bên có thể quản lý tốt nhất những rủi ro đó, mà còn bao gồm việc áp dụng Các nguyên tắc G20 về đầu tư kết cấu hạ tầng chất lượng.

Việc chuẩn bị với chất lượng cao là rất tốn kém. Tuy nhiên, một dự án được chuẩn bị kỹ lưỡng có thể mang lại lợi ích gấp nhiều lần, trong khi dự án chuẩn bị kém có thể trở thành một khoản nợ tài chính.

Trong ngắn hạn, Việt Nam có thể tìm kiếm hỗ trợ từ các nhà tài trợ để chi trả một phần chi phí chuẩn bị các dự án. Trong trung hạn, cần xây dựng một cơ chế thu hồi chi phí chuẩn bị dự án và tái sử dụng chúng cho các dự án trong tương lai. Với tầm nhìn xa, Luật PPP đã dự trù một cơ chế như vậy.

Ưu tiên tiếp theo là đạt được một số thành công ban đầu và có thể coi đó là tiêu chuẩn. Triển vọng là rất hứa hẹn. Đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt của tuyến đường cao tốc Bắc – Nam đã hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư vào tháng 12/2020 và khởi công xây dựng vào tháng 5/2021. Hai đoạn khác của tuyến đường cao tốc Bắc – Nam cũng đã được đấu thầu thành công và sẽ khởi công vào cuối năm nay. Là những dự án đầu tiên được thực hiện theo Luật PPP, điều quan trọng là chúng phải đáp ứng kỳ vọng của người sử dụng, các bên cấp vốn và Chính phủ để tạo động lực.

Tuy nhiên, các dự án này được đấu thầu theo hình thức đấu thầu cạnh tranh quốc gia và không có khả năng thu hút sự quan tâm đáng kể từ các nhà đầu tư quốc tế, vì những lý do cả trong và ngoài phạm vi kiểm soát của Chính phủ. Các vòng dự án PPP tiếp theo phải có khả năng thu hút các nhà đầu tư quốc tế. Cạnh tranh quốc tế trong các dự án hạ tầng lớn có thể mang lại công nghệ, chuyên môn và giá trị tổng thể tốt hơn cho Chính phủ và người sử dụng. Nó cũng có thể huy động nguồn vốn quốc tế – điều rất cần thiết vì các thị trường vốn trong nước quá nhỏ, không thể đáp ứng toàn bộ nhu cầu vốn của Việt Nam.

Với sự hỗ trợ của Chính phủ Canada, ADB gần đây đã phê duyệt hỗ trợ kỹ thuật để xây dựng năng lực này ở cấp tỉnh, thành phố. Ngoài ra, trong khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Giao thông – Vận tải đã phát triển trình độ chuyên môn đáng kể, vẫn cần nỗ lực để tăng cường năng lực cho các bộ, ngành chưa có nhiều kinh nghiệm với các dự án PPP trước đây.

Chuẩn bị dự án kỹ lưỡng, thí điểm thành công và tăng cường năng lực là những ưu tiên trước mắt, nhưng vẫn còn những nhiệm vụ quan trọng khác ở phía trước.

Đầu tiên là đa dạng hóa lĩnh vực. Lĩnh vực đường bộ sẽ vẫn là một ưu tiên. Trong khi đó, Luật PPP có thể được áp dụng cho các dự án trong lĩnh vực nước, y tế, giáo dục và công nghệ thông tin. Dự án mua sắm chính phủ điện tử được chuẩn bị với sự hỗ trợ của ADB và bắt đầu triển khai trong năm 2020 chứng tỏ rằng, Việt Nam có thể sử dụng thành công các phương thức PPP để phát triển hạ tầng mềm.

Thứ hai là khai thác thị trường trái phiếu trong nước. Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào các ngân hàng để phát triển dự án kết cấu hạ tầng trong nước. Điều này tạo ra sự bất cân xứng giữa dòng tiền gửi ngắn hạn của ngân hàng và vòng đời dài của dự án hạ tầng. Đồng thời, các nhà đầu tư thể chế của Việt Nam có rất ít lựa chọn đầu tư dài hạn. Các dự án hạ tầng hoạt động tốt có thể được tái cấp vốn thông qua trái phiếu dự án, được đầu tư bởi các nhà đầu tư thể chế. Luật PPP đưa ra khung pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư thể chế tham gia dự án hạ tầng.

Thứ ba là tư duy lại việc sử dụng bảo lãnh của Chính phủ. So với các quốc gia có cùng trình độ phát triển kinh tế – xã hội, Luật PPP quy định các bảo đảm về chấm dứt dự án, thiếu hụt doanh thu và chuyển đổi ngoại tệ rất chặt chẽ.

Một mặt, đây là sự cẩn trọng, giúp bảo vệ Việt Nam trước sự hình thành các khoản nợ tiềm tàng mà có thể chưa được hiểu rõ. Nhưng mặt khác, nó khiến Việt Nam gặp bất lợi trong cuộc cạnh tranh vốn quốc tế. Việc sử dụng nhiều hơn các bảo đảm có trọng tâm có thể giúp tăng đầu tư tư nhân vào hạ tầng.

Nguồn: baodautu.vn

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo