Tờ Bưu điện Bangkok ngày 12/7 dẫn lời ông Olivier Langlet, Giám đốc điều hành Central Retail Vietnam cho biết, với khoản đầu tư này, Central cũng muốn tăng gấp đôi tỷ lệ doanh số bán hàng đa kênh lên 15% so với mức 8% như hiện nay. Central đặt mục tiêu mở rộng các kênh bán lẻ của mình bao phủ 55 trên tổng số 63 tỉnh, thành của Việt Nam.
Theo ông Langlet, Central dự kiến thúc đẩy tăng trưởng doanh số tại Việt Nam bằng ba chiến lược: mở rộng và củng cố các hoạt động kinh doanh cốt lõi trên toàn quốc, bao gồm mở rộng các cửa hàng thực phẩm và trung tâm thương mại GO!; tung ra các sản phẩm mang thương hiệu riêng; và phát triển các dự án hỗn hợp để tăng cường kinh doanh bất động sản.
Ngoài ra, Central cũng hướng tới xây dựng các nền tảng bán lẻ đa kênh mạnh mẽ để mang lại các trải nghiệm mua sắm liền mạch ở một cấp độ mới cho khách hàng; đồng thời, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới và nắm bắt những cơ hội để mở rộng kinh doanh.
Ông Langletcho rằng, sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam đã giúp Central liên tục mở rộng kinh doanh và nhận định, Việt Nam dự kiến sẽ hồi phục mạnh mẽ trở lại vào năm 2022 và sẽ trở thành nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất Đông Nam Á, với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,5%.
Ông nói: “Xu hướng đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng và nó có tác động tới ngành bán lẻ. Chúng tôi nhận thấy những cơ hội tăng trưởng, đặc biệt là các khu vực tỉnh lẻ, nơi chúng tôi có thể mang tới hệ sinh thái của mình với các mô hình trung tâm thương mại và đại siêu thị”. Ông cũng cho rằng tại Việt Nam các hoạt động thương mại truyền thống với các chợ bán đồ tươi và cửa hàng đường phố vẫn là một kênh phân phối chính, sự hiện diện của các mô hình thương mại hiện đại mới chỉ chiếm 11%. Bởi vậy, đây là một động lực chính để Central mở rộng hoạt động của mình tại đây.
Ngoài ra, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam cũng được cho là có tốc độ gia tăng nhanh nhất ở khu vực Đông Nam Á. Theo dự báo của World Data Lab, các hộ gia đình trung lưu ở Việt Nam chi tiêu khoảng từ 11 đến 110 USD mỗi ngày. Người tiêu dùng trong độ tuổi từ 45 đến 65 ở Việt Nam cũng sẽ đóng góp gần 25% chi tiêu tiêu cùng ở Việt Nam so với mức 20% hiện nay.
Tập đoàn Central bắt đầu đầu tư vào Việt Nam từ năm 2012 thông qua Central Retail (CRC), tập đoàn chi nhánh phụ trách về bán lẻ của mình. Hiện nay, Việt Nam là một trong những thị trường chiến lược chính của CRC và chiếm 22% tổng doanh số của CRC.
Theo Nhandan