Trên trang web và các fanpage thuộc sở hữu của mình, Karofi đồng loạt đăng tải các bài viết với thông điệp “Tại đây thu mua nước bẩn 200.000Đ/chai”. Không chỉ diễn ra trực tuyến trên các mạng xã hội, sự kiện còn được tổ chức trực tiếp tại AEON Mall Bình Tân với sự tham gia của nhiều người nổi tiếng và các bác sĩ, chuyên gia khoa học.

Sau khi biết được thông tin này, có người thì tò mò, có người thì không tin, nhưng có những người cũng hào hứng kêu gọi bạn bè đi đổi các chai nước. Theo thông tin từ Karofi, họ đã nhận về hàng loạt chai nước bẩn từ khắp mọi miền. Có chai đục ngầu, có chai có mùi, có màu khác lạ.

Với những chai nước này, Karofi sẽ cho những chuyên gia đánh giá, phân tích sơ bộ mức độ ô nhiễm của nước. Trong buổi sự kiện, khách đem nước bẩn đến còn được các chuyên gia tư vấn miễn phí. Sau đó, Karofi dùng hệ thống lọc nước của mình để lọc các loại nước bẩn này. Cứ mỗi lít nước bẩn lọc thành 0,6 lít nước tinh khiết dành cho các em có hoàn cảnh khó khăn và thiếu nước sạch.

Theo Karofi, chiến dịch này của họ là để nâng cao nhận thức của người dân về nguồn nước mà họ đang sử dụng, cũng như khuyến khích cộng đồng bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước tinh khiết trong bối cảnh hiện nay.

Nhìn từ góc độ marketing, đây là một ý tưởng thông minh của Karofi, bởi vì nó vừa đánh vào nỗi sợ của người tiêu dùng, vừa nêu lên được hiệu quả của các sản phẩm lọc nước của mình.

Có thể xem chiến dịch lần này của Karofi là một dạng quảng cáo dựa trên nỗi sợ hãi. Đó là một phương pháp quảng cáo gieo vào lòng người tiêu dùng một nỗi sợ nhằm thúc đẩy họ mua hàng hoặc phục vụ một mục đích nào đó trong quá trình marketing.

Một thương hiệu từng rất thành công với chiến dịch quảng cáo dựa trên nỗi sợ hãi là nước súc miệng Listerine. Ở thời điểm những năm 1920, mọi người hầu như không có thói quen sử dụng các sản phẩm khử mùi, và cũng không tồn tại cái gọi là “chứng hôi miệng”. Listerine liền tung ra một chiến dịch marketing với thông điệp: “Bạn sẽ sống một cuộc đời u tối nếu bị hôi miệng”.

Các quảng cáo này của Listerine khơi dậy nỗi sợ hãi về chứng hôi miệng, biến hôi miệng trở thành một khiếm khuyết nghiêm trọng và cần điều trị ngay. Khi đó nước súc miệng Listerine sẽ là một giải pháp phù hợp. Chỉ trong vòng 7 năm, doanh thu của hãng tăng vọt từ 115.000 USD lên 8 triệu USD mỗi năm.

Đây là một chiến dịch tiếp thị có ý tưởng thông minh

Xét trong trường hợp của Karofi, thương hiệu này cũng đã áp dụng ý tưởng tương tự.

Đầu tiên, họ khiến cộng đồng xôn xao với việc mua nước bẩn, thứ vốn dĩ là bỏ đi, bằng giá khá cao. Sau đó họ tiến hành kiểm nghiệm mẫu nước (người thật việc thật), và các mẫu này chắc chắn cho ra những chỉ số ô nhiễm cao. Khi đó người tiêu dùng nhận thấy được nguồn nước mình đang dùng chưa đảm bảo, tạo nên tâm lý sợ hãi.

Không chỉ vậy, Karofi còn lấy luôn mẫu nước bẩn, áp dụng sản phẩm của mình lọc ra nước sạch. Tức là họ đang đưa ra giải pháp cho nước bẩn và “khoe” luôn hiệu quả thực tế các sản phẩm của họ.

Cuối cùng, nước sạch được gửi đi cho các trẻ em thiếu thốn. Một hành động vì cộng đồng như này sẽ ít nhiều gây được cảm tình của người tiêu dùng.

Hiện nay vẫn chưa biết liệu chiến dịch “mua nước bẩn” này của Karofi có khả năng kéo doanh số mạnh mẽ như Listerine hay không. Tuy nhiên chỉ với một mũi tên mà đã trúng nhiều đích như trên, có thể nói Karofi ít nhiều cũng thành công bước đầu.

Theo Diendandoanhnghiep.vn