Pandora là một thương hiệu đồ trang sức nổi tiếng của Đan Mạch với 2.700 cửa hàng tại 100 quốc gia trên thế giới. Pandora đang sử dụng khoảng 27.000 nhân viên và tạo ra doanh thu 5,09 tỷ USD vào năm 2021. Tuy nhiên không phải ai cũng lạc quan về triển vọng thị trường cho Pandora, nhất là khi bán hàng trực tuyến đang lên ngôi.
Ông Gemma Boothroyd, Chuyên gia phân tích của Freetrade, cho biết Pandora đang phải đối mặt với áp lực cạnh tranh lớn. “Các sản phẩm nữ trang được chế tác cá nhân hóa là thế mạnh của Pandora. Nhưng trong vài năm qua, những thương hiệu như Etsy, Amazon Homemade… cũng đã tạo ra lợi thế này với việc đặt mẫu thiết kế có thể dễ dàng tiếp cận trực tuyến”, ông Gemma Boothroyd cho biết.
Tại Việt Nam, dù mới chỉ thâm nhập thị trường trong khoảng 5 năm trở lại đây, nhưng Pandora là một trong những cái tên được ưa thích. Việc Pandora đầu tư nhà máy mới trị giá 100 triệu USD, với kế hoạch sản xuất 60 triệu món đồ trang sức hàng năm, sẽ giúp tập đoàn này mở rộng quy mô.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, Pandora cũng đã và đang gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt đến từ các công ty lớn của Việt Nam, như PNJ, DOJI, SJC, Bảo Tín Minh Châu, Phú Quý… Trong đó, đối thủ nặng ký nhất của Pandora chính là PNJ, một nhà sản xuất, kinh doanh nữ trang hàng đầu Việt Nam hiện sở hữu 341 cửa hàng, chiếm hơn 30% tổng thị phần nữ trang Việt Nam. Đó là chưa kể hàng nghìn doanh nghiệp nữ trang có quy mô nhỏ và vừa nằm rải rác trên toàn quốc.
Ngoài ra, từ nhiều năm nay, NHNN không cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho bất kỳ doanh nghiệp nào, nên Pandora sẽ phải tự xoay xở nguồn nguyên liệu này vốn đang khan hiếm trên thị trường trong nước với giá cao hơn nhiều giá quốc tế. Điều này cũng sẽ là một trong những thách thức lớn của Pandora trong việc mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam.
Theo Diendandoanhnghiep