Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá, mô hình mới có thể đưa nông sản trực tiếp đến người tiêu dùng và hướng tới xuất khẩu – Ảnh: Bộ NN&PTNT
Ngày 17/5, Bộ NN&PTNT phối hợp với Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức lễ khởi động Dự án Thiết lập chuỗi giá trị nông sản thông minh và an toàn tại Việt Nam.
Mục tiêu của Dự án là cung cấp thực phẩm chất lượng cao và an toàn cho người tiêu dùng, tăng năng suất và thu nhập cho nông dân thông qua ứng dụng mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh theo chuỗi giá trị nông sản.
Dự án được triển khai tại Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau và Hoa (PVFC) – Đà Lạt, Lâm Đồng và xử lý cơ sở dữ liệu lớn tại Trung tâm Tin học và Thống kê từ nguồn tài trợ không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc với thời gian thực hiện là 3 năm (từ tháng 1/2022 đến tháng 12/2024).
Các hoạt động của Dự án gồm: Thiết lập chuỗi giá trị nông sản thông minh và an toàn với 3 đối tượng cây trồng là cà chua, ớt chuông và dâu tây từ khâu sản xuất đến sơ chế và phân phối ra thị trường.
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhìn nhận, sau gần 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Hàn Quốc đã nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược và đã có sự phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực như thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục và nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu. Mặc dù bị tác động của đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu, thiên tai, năm 2021, nông nghiệp Việt Nam vẫn đạt tăng trưởng 2,9%. Ngoài đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm cho gần 100 triệu dân, kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam năm 2021 cũng đạt cao kỷ lục với 48,6 tỷ USD, tăng 14,9% so với năm 2020, vượt xa chỉ tiêu 42 tỷ USD do Chính phủ giao.
Để đạt được thành công như trên, ngoài sự nỗ lực phấn đấu, ngành nông nghiệp đã nhận được nhiều sự hợp tác, giúp đỡ rất thiết thực của bạn bè quốc tế, trong đó có sự giúp đỡ và hỗ trợ hiệu quả của Hàn Quốc, thông qua các chương trình dự án tăng cường năng lực, chuyển giao công nghệ, đầu tư và trao đổi thương mại nông, lâm, thủy sản.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá: Mô hình sản xuất thông minh tập trung khắc phục những điểm hạn chế chính trong toàn bộ chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đưa nông sản trực tiếp đến người tiêu dùng và hướng tới xuất khẩu.
Bộ NN&PTNT đánh giá cao Dự án “Thiết lập chuỗi giá trị nông sản thông minh và an toàn tại Việt Nam” do Chính phủ Hàn Quốc viện trợ không hoàn lại với kinh phí 3,5 tỷ Won, tương đương với hơn 2,8 triệu USD. Dự án được kỳ vọng sẽ tạo ra một mô hình sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch điển hình, có khả năng cạnh tranh cao, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập cho nông dân. Mục tiêu của dự án phù hợp với Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mới được Thủ tướng phê duyệt.
Thứ trưởng tin tưởng rằng với sự nỗ lực, quyết tâm của các bên liên quan, sự phối hợp chặt chẽ của UBND tỉnh Lâm Đồng, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, Cục Đào tạo, Xúc tiến, và Dịch vụ thông tin lương thực, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản Hàn Quốc, Dự án sẽ thành công tốt đẹp, xây dựng được mô hình trồng trọt thông minh và hiện đại, là cơ sở cho việc nhân rộng mô hình cho lĩnh vực trồng trọt, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững ngành NN& PTNT theo hướng nông nghiệp thông minh, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Theo Chinhphu.vn