Phát triển thương mại điện tử phải đảm bảo an toàn, an ninh mạng

Phát triển thương mại điện tử phải đảm bảo an toàn, an ninh mạng - Ảnh 1.
Phát triển thương mại điện tử phải đảm bảo an toàn, an ninh mạng - Ảnh 1.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, doanh thu thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam năm 2021 ước đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020 và chiếm 6,5% tổng doanh thu bán lẻ cả nước.

Việc phát triển TMĐT là một trong những yếu tố quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên việc phát triển TMĐT cũng cần phải đảm bảo an toàn, an ninh mạng.

Thị trường TMĐT Việt Nam hiện nay đang bị chi phối bởi các doanh nghiệp nước ngoài. Đáng chú ý một số doanh nghiệp xuất phát điểm là doanh nghiệp Việt Nam nhưng khi thành công thì được nước ngoài mua lại hoặc do pháp nhân nước ngoài nắm cổ phần chi phối.

Điển hình như sàn Tiki vốn là một sàn bản địa Việt Nam, đến cuối năm 2020 vốn ngoại tại sàn này đã chiếm gần 55%, và đến 2021 sàn này chuyển 90,5% cổ phần cho pháp nhân Tiki Global của Singapore. Như vậy, Tiki đã trở thành doanh nghiệp Singapore. Tương tự, sàn Sendo xuất phát điểm là doanh nghiệp Việt Nam, nhưng đến cuối năm 2020 vốn ngoại tại sàn này đã lên tới hơn 65%.

Như vậy, trong 04 sàn giao dịch TMĐT lớn nhất trên thị trường Việt Nam hiện nay, có đến 03 sàn giao dịch TMĐT có vốn đầu tư nước ngoài.

Việc chi phối thị trường của các sàn TMĐT nước ngoài thể hiện qua số lượt truy cập. Theo số liệu tháng 02/2022, tổng số lượt truy cập trên Shopee là 78,5 triệu lượt, trên Lazada là 14,8 triệu lượt, trên Tiki là 14,1 triệu lượt và Chợ tốt (Việt Nam) là 12,7 triệu lượt. Trong bảng xếp hạng các ứng dụng di động (Android, iOS) mua sắm tại Việt Nam, Shopee cũng là ứng dụng được sử dụng nhiều nhất, xếp sau lần lượt là Lazada, Tiki.

Bên cạnh đó, không chỉ riêng các sàn TMĐT, các nền tảng mạng xã hội phổ biến cũng dần lấn sân sang các hoạt động TMĐT và giao dịch trực tuyến. Điển hình như Facebook, Google, Netflix, Youtube, Amazon, TikTok… các nền tảng này cho phép hiển thị các quảng cáo mua bán hàng hoá, sản phẩm, có thể thực hiện mua bán qua liên kết với các sàn TMĐT, hoặc tích hợp trực tiếp việc đăng tải mua bán sản phẩm trên các nền tảng này.

Như vậy, với tỉ lệ chiếm lĩnh thị trường TMĐT lớn, các sàn TMĐT có sở hữu nước ngoài không những có doanh thu lớn tại thị trường Việt Nam, mà còn nắm giữ một lượng lớn dữ liệu của người Việt Nam, từ các trường thông tin cơ bản như tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại liên hệ đến các thông tin về hành vi mua sắm, sở thích, thói quen và mức sống của người dân Việt Nam. Đây chính là nguy cơ rất lớn về an toàn, an ninh mạng.

Giáp pháp đảm bảo an toàn, an ninh mạng trong thương mại điện tử

Việc phát triển các sàn giao dịch TMĐT Việt Nam đủ sức cạnh tranh bình đẳng trên thị trường là hết sức cấp thiết để hạn chế tình trạng doanh nghiệp nước ngoài chi phối, giúp giảm các nguy cơ về an toàn, an ninh mạng, cũng như tạo cơ hội cho hàng hoá Việt Nam cạnh tranh bình đẳng trên thị trường TMĐT.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh hiện nay, giải pháp khả thi để thực hiện được định hướng này là gắn kết chặt chẽ việc phát triển TMĐT, kinh tế số nông thôn với phát triển các doanh nghiệp bưu chính Việt Nam và các sàn giao dịch TMĐT của các doanh nghiệp này.

Thực tế, thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đẩy mạnh triển khai Kế hoạch đưa hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh lên các sàn TMĐT (Kế hoạch 1034) để hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể chuyển đổi số, kinh doanh trên sàn TMĐT Việt Nam, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn; xây dựng, ban hành và triển khai kế hoạch phát triển kinh tế số, xã hội số của địa phương; đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển sàn giao dịch TMĐT nông thôn và dịch vụ hạ tầng bưu chính, chuyển phát và logistics tại địa phương; đẩy nhanh việc thành lập và tập huấn cho các Tổ công nghệ số cộng đồng tới tận xã, phường, thôn, xóm; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của cộng đồng về phát triển TMĐT…

Với mục tiêu hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp, người nông dân tiêu thụ sản phẩm, nông sản trên các sàn TMĐT, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Việc triển khai có sự tham gia phối hợp của các cơ quan chức năng liên quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức ở Trung ương, địa phương và 02 doanh nghiệp bưu chính lớn là VNPost và Viettel Post, trong đó, hai sàn TMĐT Postmart và Vỏ Sò là 2 sàn TMĐT chính tham gia, triển khai Kế hoạch 1034 này.

Đến nay, việc triển khai Kế hoạch 1034 đã mang lại những kết quả bước đầu. Số liệu lũy kế tính đến tháng 4/2022 trên 02 sàn giao dịch TMĐT Postmart và Vỏ Sò như sau: Tổng số hộ sản xuất nông nghiệp đã được tạo tài khoản là 5.917.644 hộ, trong đó số tài khoản đủ điều kiện tham gia giao dịch là 2.148.427 tài khoản (chiếm 36,3%). Hiện nay, 02 sàn này đã đưa 91.648 sản phẩm nông nghiệp lên sàn giao dịch, tập huấn kỹ năng số cho gần 6.304.538 hộ sản xuất nông nghiệp tham gia giao dịch trên các sàn của mình.

Theo Chinhphu.vn

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo