Đề xuất các hoạt động không phải thực hiện giao khu vực biển

Đề xuất các hoạt động không phải thực hiện giao khu vực biển - Ảnh 1.
Đề xuất các hoạt động không phải thực hiện giao khu vực biển - Ảnh 1.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất các hoạt động không phải thực hiện giao khu vực biển

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10/2/2021 của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển.

Theo Nghị định số 11/2021/NĐ-CP, giao khu vực biển là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định cho tổ chức, cá nhân được phép sử dụng một hoặc nhiều khu vực biển nhất định (khu vực biển) trong khoảng thời gian xác định để thực hiện hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển.

Tại dự thảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất bổ sung quy định các hoạt động không phải thực hiện giao khu vực biển.

Cụ thể, các hoạt động sau đây không phải thực hiện giao khu vực biển, không phải thực hiện chấp thuận hoạt động sử dụng khu vực biển: a) Hoạt động khai thác thủy sản trên biển theo quy định của pháp luật về thủy sản; b) Hoạt động khắc phục hậu quả trực tiếp do thiên tai, sự cố môi trường gây ra trên biển; c) Hoạt động nghiên cứu khoa học của tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành trong vùng biển Việt Nam đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo quy định tại Điều 19 Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; d) Hoạt động thăm dò dầu khí; hoạt động nạo vét (tại khu vực thực hiện nạo vét) theo quy định của pháp luật; đ) Hoạt động nghiên cứu khoa học, đo đạc, quan trắc, điều tra, khảo sát trên biển do cơ quan nhà nước thực hiện.

Các hoạt động sau đây không phải thực hiện giao khu vực biển nhưng phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận hoạt động sử dụng khu vực biển: 1- Hoạt động quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên trên biển trừ trường hợp quy định tại điểm đ nêu trên; 2- Hoạt động nghiên cứu khoa học của tổ chức, cá nhân Việt Nam trừ trường hợp hoạt động nghiên cứu khoa học sử dụng khu vực biển cố định và trừ trường hợp quy định tại điểm đ nêu trên. Các hoạt động này chỉ được thực hiện sau khi được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét, chấp thuận bằng văn bản theo quy định tại Điều 27b Nghị định này.

Dự thảo nêu rõ, trên một khu vực biển có thể chấp thuận cho nhiều tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học, quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên trên biển nhưng không được mâu thuẫn, xung đột với các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác đang được phép tiến hành và hoạt động nghiên cứu khoa học, quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên trên biển của tổ chức, cá nhân khác đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận. Thời hạn chấp thuận thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học, quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên trên biển không quá 5 năm.

Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sử dụng khu vực biển

Theo dự thảo, tổ chức, cá nhân được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận hoạt động sử dụng khu vực biển có các nghĩa vụ:

1- Không được tiến hành hoạt động khác ngoài các hoạt động theo nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận;

2- Tuân thủ các quy định về an ninh, an toàn hàng hải; thiết lập khu vực an toàn hàng hải xung quanh các phương tiện, thiết bị; báo hiệu hàng hải; duy trì liên lạc và tuân thủ các quy định khác của pháp luật về hàng hải;

3- Không được làm ảnh hưởng đến hoạt động quốc phòng, an ninh và các hoạt động điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đang được tiến hành hợp pháp trong vùng biển Việt Nam; không được mang vào vùng biển Việt Nam vũ khí, vật liệu nổ, hóa chất độc, các phương tiện, thiết bị khác có khả năng gây thiệt hại đối với người, tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường biển, trừ trường hợp vật liệu nổ, hóa chất độc được cơ quan có thẩm quyền cấp phép cho phép sử dụng để thực hiện hoạt động;

4- Tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, phục hồi môi trường và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật Việt Nam trong trường hợp hoạt động gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, hệ sinh thái biển, hải đảo;

5- Sau khi kết thúc hoạt động nghiên cứu khoa học, quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên trên biển, tổ chức, cá nhân phải gửi báo cáo kết quả về Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có biển (cơ quan đã chấp thuận hoạt động); trong thời hạn không quá 30 ngày, trừ trường hợp bất khả kháng, phải hoàn thành việc tháo dỡ các phương tiện, thiết bị đã sử dụng, lắp đặt tại khu vực biển. Báo cáo kết quả phải bao gồm các nội dung chính: các hoạt động đã tiến hành; nêu rõ vị trí khoan, lấy mẫu, phương thức lấy mẫu, loại mẫu (nếu có); thông tin, dữ liệu đã thu thập, xử lý; những sản phẩm, kết quả quan trọng thu được từ các hoạt động;

6- Tuân thủ, thực hiện đúng các quy định của pháp luật về biển, hàng hải, hàng không, hải quan, thuế, lao động, y tế, xuất nhập cảnh, quốc phòng, an ninh và các quy định khác có liên quan.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Theo Chinhphu.vn

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo