Dây chuyền s
Sản xuất tại một nhà máy pin xe điện của Mercedes-Benz ở Woodstock, bang Alabama, Mỹ. (Ảnh: Reuters)
Bộ Năng lượng Mỹ sẽ trích hơn 3 tỷ USD từ đạo luật cơ sở hạ tầng 1,2 nghìn tỷ USD được Tổng thống Joe Biden ký hồi năm ngoái để đầu tư vào lĩnh vực sản xuất pin xe điện, trong đó bao gồm các khâu xử lý khoáng sản sử dụng trong pin công suất lớn và tái chế pin đã qua sử dụng.
Đồng thời, Mỹ cũng đang xúc tiến triển khai các biện pháp nhằm bảo đảm độc lập về năng lượng, cũng như giảm tải áp lực lạm phát dài hạn hiện đã trở nên trầm trọng hơn sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Phát biểu tại buổi họp báo ngày 2/5, ông Mitch Landrieu, Điều phối viên về cơ sở hạ tầng của Nhà Trắng cho biết, trong bối cảnh giá dầu và khí đốt tăng vọt, về lâu dài việc sử dụng xe điện sẽ tiết kiệm chi phí hơn cho các gia đình Mỹ.
Động thái mới nhất của chính quyền Tổng thống Biden đã nhận được sự hoan nghênh từ phía nhà sản xuất ô-tô Ford Motor. “Khoản đầu tư này sẽ giúp tăng cường chuỗi cung ứng pin xe điện của chúng tôi ở thị trường nội địa, tạo thêm nhiều việc làm và nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu cho các nhà sản xuất của Mỹ”, ông Steven Croley, Cố vấn trưởng của Ford cho hay.
Gói tài chính trên sẽ được sử dụng để xây dựng và trang bị thêm cho các nhà máy sản xuất pin. Đạo luật cơ sở hạ tầng cũng sẽ phân bổ thêm hàng tỷ USD để chính phủ mua sắm xe bus chạy điện cũng như lắp đặt hệ thống sạc xe điện.
Tuy nhiên, khoản tiền này sẽ không được dùng để phát triển thêm các mỏ khai thác lithium, nickel, cobalt và các khoáng sản có nhu cầu cao trong sản xuất pin xe điện, khi mà một số dự án đang vấp phải sự phản đối ở địa phương và bị ràng buộc bởi các rà soát môi trường và pháp lý của chính quyền Tổng thống Biden.
Bà Gina McCarthy, Cố vấn khí hậu của Nhà Trắng nhấn mạnh: “Những nguồn lực này nhằm phát triển chuỗi cung ứng pin, từ khâu sản xuất đến tái chế các khoáng sản quan trọng mà không cần phải khai thác mới. Đó là lý do tất cả chúng tôi đều vui mừng và háo hức về điều này”.
Theo Nhandan