Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng để thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động công chứng theo lộ trình phù hợp
Theo Bộ Tư pháp, mục đích xây dựng dự án Luật Công chứng (sửa đổi) nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới của hoạt động công chứng theo chủ trương xã hội hóa, nâng cao chất lượng và tính bền vững của hoạt động công chứng, từng bước phát triển nghề công chứng Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế.
Bộ Tư pháp cho biết, quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật Công chứng (sửa đổi) là tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xã hội hóa hoạt động công chứng theo bước đi và lộ trình phù hợp, chuyển đổi số, phát huy vai trò của công chứng trong phát triển kinh tế – xã hội, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, cải cách tư pháp đã được xác định tại Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Đồng thời, hoạt động công chứng phải góp phần bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch trong xã hội, nhất là giao dịch về bất động sản; phòng ngừa tranh chấp, khiếu kiện; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà nước, cá nhân, tổ chức; hỗ trợ hoạt động xét xử; tiết kiệm chi phí cho nhà nước và xã hội, qua đó góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, ổn định và phát triển kinh tế – xã hội…
Về cơ bản, Luật Công chứng (sửa đổi) vẫn giữ nguyên một số quy định đang phát huy tác dụng trong thực tiễn về công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, hành nghề công chứng, trình tự, thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch, quản lý nhà nước về hoạt động công chứng.
Ngoài ra, Luật sửa đổi, bổ sung các quy định như: Xác định rõ hơn khái niệm, chức năng, nhiệm vụ của công chứng; phát triển đội ngũ công chứng viên đáp ứng yêu cầu thực tiễn (số lượng và chất lượng) để vừa tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa nhưng vẫn bảo đảm cung cấp dịch vụ công chứng đầy đủ, kịp thời tại các vùng địa bàn khó khăn; phát triển các tổ chức hành nghề công chứng đáp ứng yêu cầu về số lượng và phân bổ hợp lý, nhất là tại các vùng địa bàn khó khăn; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng để thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động công chứng theo lộ trình phù hợp.
Với phạm vi sửa đổi như trên, dự kiến Luật sẽ sửa đổi, bổ sung 39 điều, bổ sung mới 9 điều trên tổng số 90 điều.
5 nhóm chính sách lớn
Để đạt được mục đích sửa đổi của Luật Công chứng như đã đặt ra, trên cơ sở các quan điểm chỉ đạo nêu trên, Bộ Tư pháp đề xuất sửa đổi Luật Công chứng tập trung giải quyết 5 nhóm chính sách lớn, xuyên suốt toàn bộ nội dung của Luật, cụ thể:
Chính sách 2- Phát triển đội ngũ công chứng viên bền vững với số lượng phù hợp với nhu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch của từng địa phương và cả nước; phân bổ hợp lý; thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ được Nhà nước giao với trình độ chuyên môn vững vàng, tuyệt đối tuân thủ pháp luật, đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp cao.
Chính sách 3- Phát triển các tổ chức hành nghề công chứng phù hợp với nhu cầu, số lượng và phân bổ công chứng viên, có mô hình tổ chức hoạt động phù hợp với tính chất của hoạt động công chứng và yêu cầu thực tiễn, có năng lực phù hợp để thực hiện đúng chức năng hỗ trợ quá trình hành nghề của công chứng viên.
Chính sách 4- Quy định linh hoạt hơn về trình tự, thủ tục nhưng vẫn bảo đảm các nguyên tắc cơ bản của hoạt động công chứng nội dung; tạo lập nền tảng pháp lý cần thiết để triển khai việc chuyển đổi số trong hoạt động công chứng phù hợp với xu thế và yêu cầu của thời kỳ mới.
Chính sách 5- Nâng cao năng lực và hiệu quả công tác quản lý nhà nước về công chứng, phát huy trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên phù hợp với quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế.
Mời bạn đọc xem Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Công chứng (sửa đổi) và góp ý tại đây.
Theo Chinhphu.vn