Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan xin gửi tới quý doanh nghiệp và bạn đọc phần Điểm tin thị trường Thái Lan từ ngày 21-31/03/2022 để tham khảo.
Bộ Thương mại đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu trái cây trị giá 287,50 tỷ Bạt (8,53 tỷ USD) bao gồm trái cây tươi, đông lạnh, sấy khô và đóng hộp. Trong đó, 180 tỷ Bạt dự kiến đến từ Trung Quốc, tăng 65% so với năm ngoái.
Mục tiêu xuất khẩu cao chủ yếu do nhu cầu tăng đối với trái cây Thái Lan và sản lượng cao mùa vụ 2022. Để thúc đẩy xuất khẩu trái cây, Bộ Thương mại đã xúc tiến bán trái cây thông qua các hợp đồng ứng trước lên tới 450.000 tấn – chủ yếu với Trung Quốc. Trong nỗ lực nhằm tạo điều kiện xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc sau khi bị ảnh hưởng bởi chính sách “Zero-COVID” của nước này và các biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt tại bốn cửa khẩu biên giới quan trọng là Mohan, Hữu nghị quan (Youyi Guan), Đông Hưng (Dongxing) và Bằng Tường (Pingxiang), Bộ Thương mại cam kết đẩy nhanh các cuộc đàm phán với Trung Quốc mở cửa khẩu biên giới Đông Hưng để giúp giải phóng trái cây Thái Lan.
Bộ Thương mại đã đề xuất cuộc họp chung giữa Thái Lan, Trung Quốc, Lào và Việt Nam nhằm tăng xuất-nhập khẩu trái cây và mở một làn xanh dành cho trái cây Thái Lan tại mỗi cửa khẩu góp phần đẩy nhanh việc giải phóng hàng tránh gây thiệt hại. Theo báo cáo của Vụ Nội thương, tổng sản lượng trái cây vụ mùa 2022 dự kiến tăng 13% lên 5,43 triệu tấn, chủ yếu sầu riêng (tăng 22%), măng cụt (tăng 43%), nhãn (tăng 7,8%), chôm chôm (tăng 6%) và xoài (tăng 5%).
Tăng trưởng xuất khẩu Thái Lan vượt kỳ vọng
Xuất khẩu của Thái Lan đã vượt kỳ vọng khi tăng 16,2% trong tháng 2/2022 nhờ nhu cầu quốc tế cao hơn do kinh tế toàn cầu phục hồi và hoạt động xúc tiến thương mại.
Bộ Thương Thái Lan cho biết giá trị xuất khẩu đạt 23,48 tỷ USD trong tháng 2/2022, trong đó nhập khẩu tăng 16,8% đạt 23,35 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt 123,3 triệu USD. Trong 02 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu tăng 12,2% đạt 44,74 tỷ USD, trong khi nhập khẩu tăng 18,7% đạt 47,14 tỷ USD, dẫn đến nhập siêu 2,4 tỷ USD.
Bộ trưởng Thương mại Jurin Laksanawisit cho biết tác động của khủng hoảng Nga-Ukraine đối với thương mại quốc tế của Thái Lan sẽ được nhìn thấy rõ ràng trong tháng 03 và 04/2022. Bộ Thương mại vẫn duy trì mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu ở mức 3-4% trong năm nay với các yếu tố rủi ro chính bao gồm giá dầu tăng do xung đột giữa Nga và Ukraine.
Theo ông Jurin, Bộ Thương mại cũng đặt mục tiêu ký kết 11 thỏa thuận nhằm hình thành quan hệ đối tác sâu rộng hơn thông qua các “hiệp định thương mại tự do nhỏ” (mini-FTA) trong năm nay bao gồm với Telangana (Ấn Độ), tỉnh Cam Túc (Trung Quốc), tỉnh Gyeonggi (Hàn Quốc), và Busan (Hàn Quốc). Bộ Thương mại đã ký 2 mini-FTA nhỏ với Hải Nam (Trung Quốc) và thành phố Kofu (Nhật Bản).
Kinh tế Thái Lan gặp khó khăn do giá cả năng lượng và hàng hóa tăng cao
Trung tâm Tình báo Kinh tế (EIC), một đơn vị nghiên cứu thuộc Ngân hàng Thương mại Siam (SCB) cho rằng nền kinh tế Thái Lan đã rơi vào tình trạng lạm phát đình trệ do sự phục hồi mong manh và giá cả tăng mạnh. EIC đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Thái Lan từ 3,2% xuống 2,7%. Việc sửa đổi được cho là do xung đột Nga-Ukraine khiến giá năng lượng và hàng hóa tăng cao.
EIC cho rằng đối với Thái Lan, tỷ lệ lạm phát cao hơn sẽ khiến chi tiêu trong nước phục hồi chậm hơn so với dự báo trước đó của trung tâm. Đặc biệt, tiêu dùng tư nhân sẽ bị ảnh hưởng bất lợi do sức mua hộ gia đình giảm vì giá nhiên liệu và thực phẩm tăng cao cùng với sự phục hồi chậm chạp của tiền lương hiện đang giảm do chi phí sinh hoạt tăng.
Mặc dù tỷ lệ lạm phát toàn phần có thể vượt quá phạm vi mục tiêu 1-3% của Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BOT) năm nay, EIC dự kiến Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC) của BOT sẽ duy trì lãi suất cơ bản ở mức 0,5% trong suốt năm 2022. Điều này do BOT dự kiến sẽ tập trung vào các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Trước đó, một nghiên cứu chung của Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia (NESDC), BOT và Văn phòng Chính sách Tài khóa (FPO) cho thấy tăng trưởng kinh tế của Thái Lan có thể giảm xuống 3% trong năm nay nếu giá dầu thô Dubai ở mức trung bình 150 USD/thùng.
Đầu năm nay, Bộ Tài chính dự kiến tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Thái Lan trong khoảng 3,5-4,5%, với mức tăng trưởng trung bình 4% dựa trên giả định chi tiêu trong nước tăng sau cải thiện tình hình đại dịch trên toàn cầu.
Thái Lan tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển xe điện
Energy Absolute Public Company Limited (EA) cho biết đang lên kế hoạch đầu tư hơn 2 tỷ Bạt xây dựng trạm sạc xe buýt điện được sử dụng làm phương tiện giao thông công cộng. Somphote Ahunai, chủ tịch Ủy ban Kế hoạch Chiến lược của EA, đưa ra thông báo, cho biết nhà phát triển năng lượng tái tạo sẽ dựng trạm sạc toàn thủ đô.
Somphote cho biết EA dự định lắp đặt 1000 bộ sạc điện trực tiếp (DC) vào cuối năm đưa tổng số lên 1.900 bộ mang thương hiệu EA Anywhere. Cơ quan Điện Đô thị (MEA) sẽ cung cấp đủ nguồn điện và bảo đảm sự ổn định cho các trạm sạc. JRW Utility sẽ hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng cơ bản. Dịch vụ sạc cực nhanh sẽ dành riêng cho xe buýt, xe tải và phà được thiết kế để sạc pin lên đến 80% chỉ trong 15 phút.
Giám đốc điều hành JRW Utility cho biết việc xây dựng trạm sạc EV sẽ thúc đẩy chiến lược quảng bá EV cũng như một phần của nỗ lực chuyển sang năng lượng sạch và giảm khí thải carbon. Cho đến nay EA đã phát triển nhiều dự án liên quan đến EV. Gần đây nhất, EA hợp tác với nhà điều hành tàu công cộng Family Transport Co thực hiện một nghiên cứu mang tính khả thi về khả năng chuyển sang dịch vụ thuyền chạy pin.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan