Cụm công nghiệp Yên Đồng chưa giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường.
Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đang xuất hiện những cụm công nghiệp thế hệ mới, được đầu tư hiện đại, đồng bộ, thu hút các doanh nghiệp sản xuất sạch, bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó là các cụm công nghiệp thế hệ cũ rất chật chội, ô nhiễm môi trường đang cần giải pháp tháo gỡ về cơ chế quản lý, đầu tư để đạt chuẩn công nghiệp sạch.
Hạ tầng đồng bộ và hiện đại
Cụm công nghiệp làng nghề Minh Phương quy mô 34 ha tại thị trấn huyện Yên Lạc là một cái tên mới, song, chỉ trong thời gian ngắn cụm công nghiệp này đã thu hút hàng chục hộ sản xuất kinh doanh vào thuê đất nhờ có hạ tầng kỹ thuật hiện đại. Cụm công nghiệp này đi vào hoạt động góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường từ các làng nghề trong khu vực.
Ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc Công ty KeHin, nhà đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp làng nghề Minh Phương cho biết: Chúng tôi hạ ngầm toàn bộ đường điện, xây dựng đường nội bộ rộng rãi, xây dựng nhà máy xử lý nước thải, công viên cây xanh trong cụm công nghiệp. Nhiều hộ kinh doanh nóng lòng muốn thuê đất cụm công nghiệp và tiến hành xây dựng ngay, đến cuối năm dự kiến lấp đầy 70-80% diện tích.
Trong khi đó, cụm công nghiệp Đồng Sóc tại huyện Vĩnh Tường đi theo hướng thu hút các nhà đầu tư lớn, kể cả các doanh nghiệp FDI. Quy mô, suất đầu tư và hạ tầng của cụm công nghiệp này được đánh giá ngang tầm với một khu công nghiệp mini. Trên diện tích 75 ha, chủ đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải có công suất 15.000 m3/ngày đêm, hệ thống giao thông nội bộ hoàn chỉnh. Nhờ đó, cụm công nghiệp Đồng Sóc cơ bản được lấp đầy.
Theo bà Nguyễn Thị Thảo, Phó Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thương mại Vĩnh Phúc, chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp Đồng Sóc, đến nay đã có 3 nhà đầu tư lớn từ Hàn Quốc thuê đất và một số nhà đầu tư trong nước đã xây dựng nhà máy. Vừa qua, khu công nghiệp Đồng Sóc với quy mô 208,5 ha đã được phê duyệt, tiếp giáp cụm công nghiệp Đồng Sóc, mở ra hướng phát triển mới cho cụm công nghiệp này.
Cụm công nghiệp làng nghề Minh Phương và cụm công nghiệp Đồng Sóc là cụm công nghiệp kiểu mẫu có quy hoạch hạ tầng đồng bộ, bài bản, không chạy theo các nhà đầu tư thứ cấp. Các cụm công nghiệp thế hệ mới là kết quả của một quá trình liên tục khuyến khích đầu tư phát triển cụm công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc.
Trong giai đoạn 2019-2021, tỉnh ban hành nhiều chính sách hỗ trợ các chủ đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp như: Hỗ trợ 100% kinh phí lập, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; lập dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật; rà, phá bom, mìn; hỗ trợ 700 triệu đồng/ha vốn thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, tối đa không quá 20 tỷ đồng/ cụm công nghiệp; hỗ trợ 30% kinh phí xây dựng hệ thống điện trong hàng rào cụm công nghiệp; hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà điều hành, quản lý cụm công nghiệp…
Đến nay, Vĩnh Phúc đã thành lập và giao chủ đầu tư cho 16 cụm công nghiệp, tổng diện tích 424 ha. Các cụm công nghiệp thu hút 551 cơ sở sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho hơn 12.000 lao động.
Tính riêng giai đoạn 2016-2021, tỉnh đã thu hút để thành lập và giao chủ đầu tư cho 11 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 350 ha. Các cụm công nghiệp không chỉ thu hút các doanh nghiệp và hộ gia đình sản xuất kinh doanh mà còn thu hút một số dự án lớn.
Tháo gỡ vướng mắc đối với cơ chế quản lý
Sở Công thương Vĩnh Phúc cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế của mô hình cụm công nghiệp. Đó là còn 6 cụm công nghiệp đã hình thành nhưng chưa được UBND các huyện giao đầu mối quản lý, dẫn đến khó bảo đảm các dịch vụ như xử lý môi trường, sửa chữa, nâng cấp hạ tầng. Còn 3 cụm công nghiệp có chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng là các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND các huyện, 1 cụm công nghiệp đã hình thành do UBND huyện trực tiếp đầu tư hạ tầng là cụm công nghiệp Thanh Lãng, từ năm 2006 đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Chất lượng quy hoạch xây dựng cụm công nghiệp thấp, phải điều chỉnh nhiều lần, cá biệt cụm công nghiệp Thị trấn Yên Lạc phải điều chỉnh 7 lần, cụm công nghiệp Tề Lỗ phải điều chỉnh 15 lần. Trong số 16 cụm công nghiệp đã thành lập và giao chủ đầu tư, chỉ có 3 cụm công nghiệp hoàn thành việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Việc đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp còn khó khăn do yêu cầu phải đầu tư tất cả các hạng mục như khu công nghiệp, trong khi đó diện tích các cụm công nghiệp nhỏ, suất đầu tư lớn, chưa tạo sức hút lớn với nhà đầu tư. Các công trình hạ tầng kỹ thuật trong hàng rào còn chắp vá, thiếu đồng bộ, không hoàn chỉnh…
Đối với các cụm công nghiệp giao cho đơn vị sự nghiệp công lập làm chủ đầu tư, hiện chưa có cơ chế, chính sách về huy động vốn đầu tư. Một số chủ đầu tư có biểu hiện thiếu năng lực, thiếu quyết tâm, không tích cực triển khai theo tiến độ. Mô hình đơn vị sự nghiệp của cấp huyện quản lý cụm công nghiệp bộc lộ nhiều hạn chế, song chưa có căn cứ pháp lý để chuyển đổi công tác quản lý cho các doanh nghiệp tư nhân.
Một số cụm công nghiệp đã được xây dựng hệ thống xử lý nước thải, tuy nhiên, hệ thống thoát nước mặt và thoát nước thải còn đi chung dẫn đến nhiều bùn rác bị kéo theo khi thu gom nước thải về khu xử lý, dẫn đến máy móc thường xuyên hỏng hóc, tốn kém kinh phí sửa chữa, bảo dưỡng. Ngoài ra, việc chưa thu được các loại phí của các hộ trong cụm công nghiệp, trong đó có phí xử lý nước thải, dẫn đến không có nguồn để đầu tư vận hành, duy tu, sửa chữa, khiến các trạm xử lý nước thải buộc phải dừng hoạt động.
Tỉnh Vĩnh Phúc đang khẩn trương tìm biện pháp tháo gỡ các khó khăn trên, tập trung vào việc xây dựng cơ chế, chính sách mang tính ổn định cao để phát triển các cụm công nghiệp. Giám đốc Sở Công thương Trần Quốc Huy nhấn mạnh, mục tiêu thời gian tới là xử lý những tồn tại về ô nhiễm môi trường trong các cụm công nghiệp thế hệ cũ; thu hút các nhà đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp; tăng cường kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm của chủ đầu tư hạ tầng.
Chính phủ sớm ban hành hướng dẫn xử lý tài sản kết cấu hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp mà Nhà nước đã đầu tư để thực hiện thủ tục lựa chọn doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, quản lý, vận hành.
Mặc dù còn nhiều việc phải làm với các cụm công nghiệp đã xây dựng lâu năm, song kết quả phát triển các cụm công nghiệp của Vĩnh Phúc đã chứng tỏ hướng đi đúng đắn trong phát triển công nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá thể và các làng nghề.
Theo Nhandan