Đến nay, Bắc Ninh có 37 CCN được quy hoạch với diện tích 1141,86ha, đã thành lập được 33/37 CCN với diện tích là 1.057,26 ha. Trong đó, có 23 CCN đã đầu tư và đi vào hoạt động với diện tích 723,25ha, 3 CCN diện tích 64,93ha đang hoàn thiện hạ tầng chuẩn bị đưa vào sử dụng; 7 CCN diện tích 269,08ha đang tiến hành thủ tục chuẩn bị đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Các doanh nghiệp trong các CCN sản xuất ổn định, với mức tăng trưởng bình quân là 12,4%/năm, hiện nay chiếm tỷ trọng khoảng 9,5% tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn (do khu vực FDI tăng trưởng đột phá, chiếm tỷ trọng trên 90%). So sánh với công nghiệp địa phương ở các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng, thì giá trị sản xuất công nghiệp địa phương của Bắc Ninh khá lớn và giá trị gia tăng cao. Các doanh nghiệp trong các CCN của tỉnh hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, sản xuất giấy, đồ gỗ, mây tre đan, đồ gốm, đồ đồng, cơ khí chế tạo… là những ngành có nhiều lợi thế cạnh tranh thị trường trong và ngoài nước, có điều kiện phát triển mạnh.
Tuy nhiên, qua thực tiễn hơn 20 năm hoạt động, các CCN cũng bộc lộ nhiều hạn chế đó là: Cơ sở hạ tầng của phần lớn các CCN (đường giao thông nội bộ, cây xanh, các công trình xử lý rác thải, nước thải…) chưa được đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh. Một số cụm gây ô nhiễm nghiêm trọng, công tác quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng còn nhiều bất cập, công tác quản lý nhà nước trong các CCN đạt hiệu quả chưa cao. Thu hút doanh nghiệp đầu tư hạ tầng CCN do UBND cấp xã, huyện làm chủ đầu tư hạ tầng hạn chế, nên quá trình chuyển đổi mô hình chủ đầu tư còn chậm… Đòi hỏi cần phải có phương án khắc phục những tồn tại này để các CCN tiếp tục phát triển bền vững và mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội trong giai đoạn tiếp theo.
Trên quan điểm phát triển bền vững các CCN gắn với chuyển đổi cơ cấu ngành công nghiệp địa phương theo hướng tập trung phát triển theo chiều sâu, các ngành nghề có tính liên kết trong chuỗi giá trị của sản phẩm, dịch vụ. Ưu tiên phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa có vốn đầu tư trong nước (doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, hộ sản xuất kinh doanh trong các làng nghề kết hợp với đổi mới công nghệ, không gây ô nhiễm môi trường), nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm công nghiệp, giá trị sản xuất công nghiệp. Với mục tiêu sắp xếp, phân bố không gian phát triển hợp lý gắn với các chính sách, giải pháp quản lý, đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật các CCN hiện có bảo đảm tiêu chí môi trường, tiết kiệm, hiệu quả sử dụng đất và các nguồn lực khác thì vấn đề tiếp tục củng cố, phát triển các CCN là cần thiết. Vì vậy, phương án phát triển CCN sẽ được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong đó, giai đoạn 2021-2030, giữ ổn định hoạt động các CCN đã có chủ đầu tư hạ tầng là doanh nghiệp 18 cụm, với tổng diện tích 665,37 ha; chuyển đổi 15 CCN với diện tích 299,46 ha. Mở rộng 6 CCN với tổng diện tích tăng thêm là 149,46 ha gồm: CCN Mẫn Xá – Văn Môn (Yên Phong); Quy hoạch mở rộng CCN Phù Lãng (Quế Võ); Quy hoạch mở rộng CCN Quảng Bố (Lương Tài); CCN Cao Đức-Vạn Ninh, CCN Xuân Lai, Quy hoạch mở rộng CCN Quỳnh Phú (Gia Bình). Các CCN đã thành lập, đang hoạt động sẽ được mở rộng khi bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật. Quy hoạch mới 6 CCN với diện tích 340ha. Như vậy, đến năm 2030 Bắc Ninh sẽ chuyển đổi 15 CCN, giữ nguyên 22 cụm trong đó quy hoạch mở rộng 6 cụm và quy hoạch mới là 6 cụm. Tổng cộng đến năm 2030 có 28 CCN diện tích là 1.331,86 ha. Đến năm 2050, chuyển đổi 2 CCN và quy hoạch mới là 1 CCN, tổng cộng đến năm 2050 có 27 CCN với diện tích là 1.169,81 ha.
Với định hướng phát triển công nghiệp của Bắc Ninh trong giai đoạn tới thu hút các dự án đầu tư có quy mô lớn, các dự án FDI, công nghệ cao thì việc thực hiện phương án phát triển CCN giai đoạn 2021- 2030 và tầm nhìn 2050 không chỉ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận đất đai, mặt bằng, tín dụng, nâng cao năng lực sản xuất, mà còn tạo động lực để gia nhập các chuỗi sản xuất toàn cầu, cung ứng sản phẩm, linh kiện cho các dự án FDI đang đầu tư tại tỉnh.
Theo Báo Nam Định