(Ảnh: Ngân hàng Thế giới)
Trong báo cáo điểm lại cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam tháng 1/2022 được công bố ngày 13/1, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc trong năm 2022 với tăng trưởng GDP dự báo tăng lên 5,5%. Điểm lại kỳ này cũng cho rằng Việt Nam cần ưu tiên xanh hóa ngành thương mại.
Chương 1: Tình hình kinh tế gần đây và triển vọng thời gian tới
Chương 2: Không còn thời gian để lãng phí: Cơ hội và thách thức đối với phát triển thương mại xanh tại Việt Nam
Với giả định đại dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát trong và ngoài nước, báo cáo nhận định khu vực dịch vụ của Việt Nam sẽ dần phục hồi khi người tiêu dùng và nhà đầu tư lấy lại niềm tin, trong khi lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo được hưởng lợi nhờ nhu cầu ổn định từ Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc. Thâm hụt ngân sách và nợ công được kỳ vọng sẽ vẫn bền vững, với tỷ lệ nợ trên GDP dự kiến là 58,8%, thấp hơn nhiều so với mức trần theo quy định.
Tuy nhiên, triển vọng này vẫn ẩn chứa nhiều rủi ro, đặc biệt là diễn biến chưa rõ ràng của đại dịch. Sự bùng phát của các biến thể mới có thể dẫn đến việc phải tái áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội, ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế. Nhu cầu trong nước yếu hơn kỳ vọng có thể ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của Việt Nam.
Ngoài ra, nhiều đối tác thương mại của Việt Nam đang phải đối mặt với dư địa tài khoá và tiền tệ bị thu hẹp, có thể sẽ hạn chế khả năng tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế của các nước này nếu cuộc khủng hoảng kéo dài. Điều này có thể làm chậm sự phục hồi toàn cầu và làm suy yếu nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Phát biểu tại buổi công bố báo cáo, bà Dorsati Madani, chuyên gia Kinh tế cao cấp, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã chỉ ra các chính sách ứng phó cẩn trọng có thể giảm thiểu những rủi ro trên, bao gồm các biện pháp về chính sách tài khóa có thể hỗ trợ tổng cầu trong nước, trong đó có tạm thời giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) và tăng chi cho y tế và giáo dục; các hỗ trợ dành cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng; các chương trình an sinh xã hội; và sự giám sát chặt chẽ các rủi ro đang gia tăng trong khu vực tài chính.
Thách thức và cơ hội đối với phát triển thương mại xanh tại Việt Nam
Chuyên đề đặc biệt của ấn phẩm kỳ này đi sâu vào phân tích xu hướng xanh hóa của thương mại Việt Nam.
Thương mại là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 2 thập kỷ qua, nhưng cũng là ngành có cường độ phát thải các-bon cao, chiếm một phần ba tổng lượng phát thải khí nhà kính của cả nước và gây nhiều ô nhiễm.
Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đã bắt đầu thực hiện giảm phát thải các-bon trong các hoạt động liên quan đến thương mại.
Ngay phần mở đầu báo cáo, Ngân hàng Thế giới đã dẫn lại cam kết của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính tại Hội nghị Biến đổi Khí hậu Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26) được tổ chức vào đầu tháng 11 năm 2021 tại Glasgow, Scotland: “Việt Nam sẽ tham gia giải pháp về biến đổi khí hậu toàn cầu. Việt Nam đặt mục tiêu nâng tỷ lệ năng lượng sạch trong tổng cung năng lượng sơ cấp lên ít nhất 20% vào năm 2030 và 30% vào năm 2045, đồng thời cam kết từng bước loại bỏ sản xuất điện bằng than và đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”.
Thương mại có thể là một phần quan trọng trong giải pháp cho vấn đề biến đổi khí hậu mà Việt Nam đang trải qua và sẽ cần được xử lý trong những năm tới. Thương mại xanh – hay thương mại sạch hơn, thương mại hàng hóa môi trường, hàng hóa thân thiện với môi trường – có thể giúp Việt Nam đạt được các cam kết về khí hậu và tham vọng trở thành một nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045 như đã vạch ra trong Chiến lược Phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030, báo cáo nhắc lại.
Việt Nam đã được hưởng lợi nhiều từ mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu trong 20 năm qua, nhưng mô hình này cũng để lại dấu chân môi trường quan trọng.
Gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007 và tham gia 13 hiệp định thương mại tự do và khu vực, Việt Nam đã thành công trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua mở rộng tiếp cận thị trường và cắt giảm thuế quan. Lưu lượng thương mại đã tăng theo cấp số nhân; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam hiện lên đến 106,6% GDP.
Tuy nhiên, khu vực sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn có dấu chân các-bon đáng kể và thâm dụng tài nguyên, góp phần làm gia tăng thiệt hại về môi trường và suy kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước. Biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh và lưu lượng thương mại của Việt Nam do làm tăng chi phí sản xuất và vận tải.
Xanh hóa thương mại hàng hóa do đó được cho là một ưu tiên hàng đầu vì sẽ mang lại rất nhiều cơ hội cho Việt Nam:
Thứ nhất, điều này có thể giúp giảm dấu chân các-bon hoặc dấu chân môi trường của các ngành xuất khẩu và nhập khẩu, qua đó đóng góp vào công cuộc triển khai thực hiện cách tiếp cận phát triển xanh, bao trùm và có khả năng chống chịu, giúp Việt Nam hoàn thành mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Thứ hai, xanh hóa thương mại hàng hóa có thể khuyến khích các ngành kinh tế đang tồn tại trang bị công nghệ xanh và duy trì năng lực cạnh tranh trong thế giới các-bon thấp của tương lai.
Thứ ba, xanh hóa thương mại tạo cơ hội mới để giao thương các hàng hóa và dịch vụ môi trường.
Cuối cùng, xanh hóa thương mại được kỳ vọng sẽ là động lực tiềm năng giúp tạo thêm việc làm mới khi các ngành đang tồn tại phải trang bị các công nghệ mới và các doanh nghiệp sẽ tận dụng cơ hội với hàng hóa và dịch vụ môi trường mới.
Ông Jacques Morisset, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần hành động quyết liệt hơn nữa để ứng phó với áp lực gia tăng từ các thị trường xuất khẩu chính, khách hàng và công ty đa quốc gia với yêu cầu những sản phẩm và dịch vụ phải xanh và sạch hơn.
Ông đồng thời khuyến nghị Chính phủ Việt Nam hành động trên 3 lĩnh vực: tạo thuận lợi cho thương mại hàng hóa và dịch vụ xanh, khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài xanh, và phát triển các khu công nghiệp có khả năng chống chịu tốt hơn và không phát thải các-bon.
Theo bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, thương mại sẽ là hợp phần chính trong chương trình hành động vì khí hậu của Việt Nam trong những năm tới. Thúc đẩy thương mại xanh sẽ không chỉ giúp Việt Nam thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà còn giữ được lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế và bảo đảm thương mại tiếp tục là nguồn tạo thu nhập và việc làm quan trọng.
Theo Báo Nhân dân