Nhiều doanh nghiệp phải chấp nhận nhập nguyên liệu với giáo cao hơn từ 8% đến 15%. Ảnh: NT
Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến, sản xuất xi măng, giày da, may mặc… đang phải đối mặt với những khó khăn về khan hiếm nguồn cung, nguyên liệu và giá cả hàng hóa đầu vào tăng cao.
Để duy trì hoạt động sản xuất, nhiều doanh nghiệp phải chấp nhận nhập nguyên liệu với giá cao hơn từ 8% đến 15% để hoạt động sản xuất của doanh nghiệp không bị “đứt gãy” kịp hoàn thành những đơn hàng cuối năm.
Tại Công ty TNHH Nhựa và Thiết bị y tế Việt Nam (Khu công nghiệp Tam Điệp, Ninh Bình) từ tháng 4.2021 đến nay, hoạt động sản xuất của công ty gặp nhiều khó khăn, mức tăng trưởng thấp. Nguyên nhân do dịch COVID-19 bùng phát kéo dài dẫn đến việc hạn chế đi lại, việc nhập khẩu nguyên liệu cũng như xuất khẩu hàng hóa của công ty gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó là giá xăng, dầu tăng cao trong những tháng gần đây dẫn tới chi phí vận chuyển hàng hóa cả 2 chiều xuất và nhập khẩu đều tăng cao.
Ông Nguyễn Anh Tuyến, Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Nhựa và Thiết bị y tế Việt Nam cho biết, ngay từ đầu năm, khi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 chưa bùng phát, doanh nghiệp đã phải “cân não” với bài toán chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao và các chi phí phát sinh khác từ công tác phòng chống dịch COVID-19, vận chuyển… Tuy nhiên, những tháng cuối năm “cơn bão” giá nguyên liệu và xăng, dầu tăng cao khiến doanh nghiệp phải đối mặt với tình trạng thua lỗ.
“Có những đơn hàng đã ký từ đầu năm nên dù có lỗ chúng tôi vẫn phải chấp nhận để sản xuất đủ nguồn hàng theo hợp đồng đã ký với đối tác, thời điểm hiện tại giá nguyên liệu công ty chúng tôi nhập vào tăng từ 12% đến 15% so với trước đấy là chưa kể chi phí vận chuyển cũng tăng do giá xăng, dầu tăng cao” – ông Tuyến nói.
Ông Nguyễn Khải Hoàn, Trưởng phòng Quản lý thương mại, (Sở Công thương tỉnh Ninh Bình) cho biết, do tình hình giá nhiên liệu, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất tăng cao đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng kỷ lục trong vòng 7 năm trở lại đây đã tác động rất mạnh tới sự tăng trưởng kinh tế nói chung và tạo áp lực đối với sản xuất của các doanh nghiệp trong những tháng cuối năm.
Cũng theo ông Hoàn, mặc dù thời gian qua, các doanh nghiệp sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã rất nỗ lực trong công tác phòng chống dịch, mang lại hiệu quả thiết thực trong hoạt động sản xuất, góp phần duy trì đà tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, ngành sản xuất công nghiệp của tỉnh vẫn bị ảnh hưởng, đặc biệt là những tháng cuối năm do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, hoạt động cung ứng nguyên, vật liệu đầu vào thiếu hụt… làm tăng nguy “đứt gãy” chuỗi cung ứng, sản xuất.
“Theo dự báo của các ngành chức năng, áp lực giá trong những tháng cuối năm là rất lớn. Nguyên nhân là chi phí nguyên liệu đầu vào, chi phí vận chuyển, xăng dầu… trong nước đều tăng cao. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện tại, cần phải có nhiều chính sách, biện pháp thiết thực, cụ thể và sát sườn hơn nữa để hỗ trợ doanh nghiệp” – ông Hoàn nói.
Theo Báo Lao động