Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành Trung tâm khoa học công nghệ lớn của cả nước

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu ( thứ 2, từ phải sang) khảo sát mô hình đổi mới sáng tạo tại huyện Phong Điền

Chiều 21/11, Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) do Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt làm trưởng đoàn có buổi làm việc đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động KH&CN giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và Bộ KH&CN giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Tiếp và làm việc với đoàn có UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu; đại diện lãnh đạo UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

KH&CN thúc đẩy phát triển KT- XH

 

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu cho biết, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nguồn lực còn nhiều hạn chế, tuy nhiên, được sự quan tâm hỗ trợ của Bộ KH&CN, hoạt động KH&CN của tỉnh đã triển khai đảm bảo đúng kế hoạch, bám sát thực tiễn sản xuất và cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương.

Theo đó, các tiến bộ KHKT trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đã được phổ biến kịp thời để nhân dân áp dụng, giúp tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, cải tiến công nghệ, thiết bị, chuyển giao công nghệ và xác lập quyền sở hữu công nghiệp trên địa bàn tỉnh góp phần thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Hoạt động bảo hộ, sử dụng và khai thác tài sản trí tuệ (TSTT) đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, phát triển KT-XH. Hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) đã tạo hiệu ứng tốt trong cộng đồng, giúp cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp mạnh dạn đề xuất, xây dựng các dự án, hoạt động khởi nghiệp thông qua các chương trình, diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KN, ĐMST) của tỉnh. Các sản phẩm của cuộc thi KN, ĐMST tỉnh có chất lượng và có khả năng tham gia vào thị trường.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng dịch vụ đô thị thông minh, chính quyền điện tử và nâng cao chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh đặc biệt được chú trọng và thu được kết quả. Những kết quả trên các mặt nói trên đã từng bước khẳng định ngành khoa học công nghệ thực sự là động lực phát triển KT- XH của Thừa Thiên Huế và hướng đến mục tiêu trở thành Trung tâm KH&CN của khu vực và cả nước.

Để hỗ trợ tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, phấn đấu sớm đưa tỉnh thành thành phố trực thuộc Trung ương và là một trong những Trung tâm KH&CN lớn của cả nước, tỉnh đề nghị Bộ KH&CN tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện và hỗ trợ để tỉnh triển khai nhiều hoạt động KH&CN đạt hiệu quả, góp phần phát triển KT-XH của tỉnh.

Đưa KH&CN thành ngành kinh tế mũi nhọn

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại buổi làm việc 

Tại buổi làm việc, các thành viên trong đoàn công tác và đại diện lãnh đạo tỉnh đã thảo luận về những kết quả đạt được, một số khó khăn, vướng mắc cũng như phương hướng triển khai thực hiện phát triển KH&CN trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao những kết quả KH&CN mà tỉnh đạt được trong thời gian qua và cho rằng Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương đi đầu về lĩnh vực KH&CN trong cả nước, đóng góp quan trọng cho phát triển KT-XH của tỉnh. Ghi nhận sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo tỉnh đối với ngành KH&CN, tiềm lực KH&CN được tập trung đầu tư phát triển. Bộ trưởng mong muốn Thừa Thiên Huế tiếp tục nâng cao tiềm lực KH&CN ở địa phương, phát triển TSTT gắn với các sản phẩm chủ lực, có tiềm năng phát triển phù hợp với thị trường, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào thực tiễn sản xuất và đời sống, nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa.

Bộ trưởng đề nghị, Thừa Thiên Huế cần quan tâm huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển KH,CN&ĐMST; quan tâm đầu tư nghiên cứu ứng dụng và phát triển KH&CN; đầu tư nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội, nhân văn, tự nhiên; có giải pháp tiếp cận thành công các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó trọng tâm hướng đến ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số cho các ngành, các lĩnh vực ở địa phương.

Chỉ đạo các cơ quan trực thuộc Bộ xem xét, đánh giá tính khả thi để tích cực hỗ trợ về cơ chế, chính sách, nguồn lực giúp tỉnh phát triển KH&CN, ĐMST trong thời gian tới; phát triển một số sản phẩm chủ lực, thế mạnh trên lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp; đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực KH&CN. Bộ KH&CN cam kết sẽ tăng cường sự phối hợp với địa phương trong chỉ đạo, điều hành các hoạt động KH, CN&ĐMST góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước, đưa hoạt động KH, CN&ĐMST ngày càng phục vụ thiết thực, hiệu quả các mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh và cả nước.

Nhằm tăng cường sự phối hợp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động KH, CN&ĐMST tạo phục vụ các mục tiêu phát triển KT-XH của địa phương, đồng thời tổ chức thực hiện Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị, tại buổi làm việc, tỉnh Thừa Thiên Huế và Bộ KH&CN đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động KH&CN giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030. Theo nội dung ký kết thì 2 bên sẽ phối hợp xây dựng và triển khai các đề án, cơ chế, chính sách phát triển KH, CN&ĐMST; phối hợp xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành Trung tâm KHCN lớn của cả nước; hỗ trợ, hợp tác trong nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ; quản lý nhà nước về KH, CN&ĐMST.

Theo TTH.VN

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo