Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại Diễn đàn – Ảnh: VGP
TPHCM trong những năm qua đã triển khai nhiều chương trình kinh tế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu ở những công doạn có giá trị gia tăng cao đối với tất cả các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ. Đây là hướng chủ yếu để chuyển các quan hệ kinh tế từ lệ thuộc thị trường, lệ thuộc vào đối tác bên ngoài sang mối quan hệ tương thuộc với mọi đối tác.
Chiều 5/6, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Chính phủ, UBND TPHCM tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 với chủ đề “Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng trong tình hình mới”.
Diễn đàn có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng; Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương; đại diện các đại sứ quán và tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi bày tỏ, dưới tác động của dịch COVID-19, nhất là đợt dịch lần thứ 4, TPHCM trở thành địa phương có mức độ lây nhiễm nghiêm trọng, có thời gian giãn cách xã hội dài nhất, đã làm cho mọi hoạt động kinh tế-xã hội gián đoạn, các động lực tăng trưởng kinh tế bị kéo lùi nghiêm trọng, cùng với đó là những ảnh hưởng nặng nề đối với sức khỏe, sinh kế và đời sống tinh thần của người dân.
Người đứng đầu UBND TPHCM cho biết, sau đại dịch, Thành phố đã xây dựng và triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2022-2025; chủ đề của Diễn đàn rất phù hợp với chương trình này và tình hình thực tế của Thành phố. Đặc biệt, Diễn đàn được tổ chức tại Thành phố sẽ rất có ý nghĩa, là dịp để các tổ chức quốc tế, các cơ quan ngoại giao, cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài tại Thành phố hiểu sâu hơn, cùng chia sẻ những thiệt hại, tổn thất nặng nề mà Thành phố đã trải qua cũng như chứng kiến những nỗ lực mà cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân Thành phố đang khẩn trương thực hiện để sớm đưa Thành phố trở lại trạng thái bình thường mới.
Theo ông Phan Văn Mãi, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ theo mô hình nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa nền kinh tế đất nước. Đó là giữ vững độc lập, tự chủ đi đôi với mở rộng hợp tác quốc tế, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; xây dựng chính sách và cơ chế để thu hút có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài, nhưng phải dựa vào nguồn lực trong nước là chính; khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại song phương thế hệ mới (FTA) trong quá trình hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới thông qua các quan hệ thương mại, đầu tư và tín dụng. Đường lối nhất quán này cũng đã được Thủ tướng Chính phủ khẳng định tại Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ vào cuối tháng 5 vừa qua.
Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh, ý thức được ý nghĩa chiến lược của tính chất độc lập, tự chủ trong đường lối kinh tế đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta trong bối cảnh mới của thời đại, TPHCM trong những năm qua đã triển khai nhiều chương trình kinh tế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu ở những công doạn có giá trị gia tăng cao đối với tất cả các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ. Đây là hướng chủ yếu để chuyển các quan hệ kinh tế từ lệ thuộc thị trường, lệ thuộc vào đối tác bên ngoài sang mối quan hệ tương thuộc với mọi đối tác.
Thành phố cũng nhận thức được rằng, để thu hút nguồn vốn FDI hiệu quả phải nâng cao vai trò đối tác của khu vực kinh tế trong nước, nhất là tầm quan trọng của khu vực tư nhân.
“Dĩ nhiên đây là một quá trình cần sự hỗ trợ nhiều chính sách chung về vĩ mô, nên từ Diễn đàn này, kỳ vọng sẽ có nhiều đóng góp về cơ sở khoa học và thực tiễn nhằm cụ thể hóa đường lối và chủ trương của Đảng ‘xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong tình hình mới'”, ông Phan Văn Mãi bày tỏ.
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam là sự kiện thường niên được Ban Kinh tế Trung ương chủ trì tổ chức từ năm 2017.
Tại các hội thảo chuyên đề của Diễn đàn lần này, các đại biểu đã thảo luận về phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau đại dịch COVID-19, phát triển thị trường vốn và thị trường bất động sản, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Phiên toàn thể sẽ tập trung thảo luận các nội dung như: Kinh tế toàn cầu và những xu hướng lớn về hợp tác kinh tế quốc tế hiện nay; Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay: Cơ hội và thách thức; đào tạo nhân lực công nghệ số phục vụ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và thúc đẩy xã hội số; quản trị rủi ro quốc gia trong bối cảnh mới.
Theo Chinhphu.vn