“Xanh hóa” khu chế xuất, khu công nghiệp

Tổ hợp không gian sáng tạo của Tập đoàn công nghệ CMC trong Khu chế xuất Tân Thuận.

Tổ hợp không gian sáng tạo của Tập đoàn công nghệ CMC trong Khu chế xuất Tân Thuận.

Tổ hợp không gian sáng tạo của Tập đoàn công nghệ CMC trong Khu chế xuất Tân Thuận.
Thu hút đầu tư và phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX, KCN) theo mô hình sản xuất công nghệ cao, giảm thâm dụng lao động, hình thành môi trường sản xuất “sinh thái” đang được Thành phố Hồ Chí Minh nỗ lực thực hiện.

Hiện nay, khi các yếu tố “đầu vào” truyền thống như lao động giá rẻ, tài nguyên dồi dào không còn là thế mạnh, Thành phố Hồ Chí Minh đã đẩy nhanh điều chỉnh, quy hoạch lại các KCX, KCN theo hướng xanh hóa, thu hút các ngành công nghệ cao nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững.

Giảm thâm dụng lao động

Tại dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Pepperl+Fuchs (Việt Nam) đóng trong KCX Tân Thuận, thi thoảng mới xuất hiện một kỹ sư quan sát màn hình điện tử để theo dõi thông số của quy trình sản xuất thiết bị cảm biến. Tại đây chỉ có hai, ba công nhân kiểm tra các con chip và bo mạch điện tử trước khi kết thúc công đoạn đầu tiên để chuyển qua công đoạn sản xuất tiếp theo.

Đứng thứ ba trên thế giới về sản xuất thiết bị cảm biến, Công ty TNHH Pepperl+Fuchs (Việt Nam) chuyên sản xuất bo mạch điện tử, các thiết bị cảm ứng, các thiết bị truyền tín hiệu với sản lượng từ ba đến bốn triệu sản phẩm mỗi năm. Ông Han Thanh Hong, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Pepperl+Fuchs cho biết, công ty hướng đến mô hình sản xuất “sạch, xanh”, giảm thâm dụng lao động, mỗi năm công ty đầu tư từ hai đến ba triệu USD mua sắm máy móc hiện đại phục vụ nhu cầu đổi mới công nghệ, tuyển thêm kỹ sư có trình độ cao để đáp ứng điều kiện sản xuất công nghệ cao.

Cũng đóng trong KCX Tân Thuận, Tập đoàn công nghệ CMC chuyên cung cấp các giải pháp và phần mềm công nghệ thông tin đã đầu tư dự án CMC Creative Space – Tổ hợp không gian sáng tạo, đưa vào hoạt động giai đoạn 1. Nơi đây thực sự là “văn phòng số” với gần 1.000 kỹ sư phần mềm làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, hiện đại. Trong đó, Tân Thuận Data Center thuộc Tổ hợp không gian sáng tạo được đánh giá là trung tâm dữ liệu hiện đại và an toàn nhất Việt Nam. Theo đại diện Ban Giám đốc Tập đoàn công nghệ CMC, hơn 90% nhân sự tại các dự án của tập đoàn là kỹ sư được đào tạo ở nước ngoài, làm việc tại các vị trí như nghiên cứu viên, lập trình viên, chuyên gia. CMC cũng chú trọng hướng đến “tương lai số” với mục tiêu giúp doanh nghiệp trong nước số hóa thành công.

Theo ông TSao Chung Hung, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tân Thuận (doanh nghiệp quản lý, vận hành KCX Tân Thuận), KCX hiện có 220 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 110 doanh nghiệp thuộc các ngành nghề sản xuất truyền thống, thâm dụng lao động; 70 doanh nghiệp sản xuất công nghệ cao, còn lại là doanh nghiệp thuộc các ngành dịch vụ. Trong những năm gần đây, thực hiện chuyển dịch cơ cấu đầu tư, KCX Tân Thuận đã thu hút nhiều dự án đầu tư phần mềm, phần cứng, dịch vụ công nghệ thông tin, như: Công ty VNG, FPT, CMC, Sao Bắc Đẩu, Renesas,… mang lại giá trị kinh tế cao.

Xây dựng các mô hình khu công nghiệp mới

Trong 17 KCX-KCN đang hoạt động trên địa bàn thành phố, KCN Hiệp Phước là một trong những KCN đang trong quá trình hình thành mô hình KCN sinh thái với nhiều điều kiện sẵn có.

Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần KCN Hiệp Phước Giang Ngọc Phương cho biết, tại KCN Hiệp Phước rộng 1.000ha, đất dành cho cây xanh, hạ tầng và giao thông công cộng chiếm hơn 30% diện tích. Hiện, ở đây, 20 trong tổng số 130 doanh nghiệp có số lao động từ 200 người trở lên. Các doanh nghiệp trong KCN cũng tiến dần đến việc tối ưu hóa các dây chuyền sản xuất thủ công bằng tự động hóa. Gần đây, KCN Hiệp Phước đã chủ động thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn (đầu ra của nhà máy này là đầu vào của nhà máy khác), qua đó tối ưu hóa quá trình sản xuất, giúp tiết kiệm nguyên vật liệu, nhất là nguyên vật liệu không tái tạo, giảm chi phí xã hội. Đây chính là cơ sở để chuyển hướng và hình thành KCN sinh thái theo định hướng phát triển của thành phố, góp phần bảo vệ môi trường, giảm sử dụng tài nguyên thiên nhiên…

Một số hoạt động kinh tế tuần hoàn khả thi trong KCN Hiệp Phước mang lại hiệu quả như: Sử dụng khí hơi nóng từ quá trình chưng cất dầu thực vật Cái Lân để tham gia quá trình sấy của Nhà máy Meizan; sử dụng thành phẩm của nhau ngay trong KCN như bao bì, nhiên liệu, nguyên liệu thành phẩm của nhà máy này được sử dụng cho nhà máy sản xuất thực phẩm khác. Một số mô hình đang tiếp tục bổ sung, đăng ký triển khai như phụ phẩm của nhà máy thạch cao trở thành nguyên liệu của nhà máy sản xuất xi-măng; sử dụng khí nóng của nhà máy thép cho nhà máy phân bón bên cạnh…

Số liệu thống kê của Ban Quản lý các KCX và Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (Hepza) cho thấy, hiện, vốn đầu tư vào ngành điện tử, công nghệ thông tin ở các KCX, KCN chiếm 4,78% tổng số vốn các dự án, với số vốn đầu tư 1,81 tỷ USD (tỷ lệ thu hút vốn đầu tư bình quân tính trên 1ha đất là 17,61 triệu USD).

Trong khi đó, với những ngành thâm dụng lao động tại các KCX, KCN trên địa bàn thành phố, vốn đầu tư chiếm 17,51% tổng số dự án với số vốn đầu tư 1,79 tỷ USD (tỷ lệ thu hút vốn đầu tư bình quân tính trên 1ha đất là 5,57 triệu USD). “Con số này đã nói lên thực tế hiệu quả thu hút đầu tư ngành công nghệ cao luôn ưu thế và cao hơn nhiều so với các ngành thâm dụng lao động, các ngành sản xuất truyền thống. Từ đây cũng đặt ra bài toán đối với các công ty hạ tầng, quản lý KCX, KCN là làm sao giảm các ngành thâm dụng lao động, chuyển hướng thành KCN “xanh”, thu hút chất xám, bảo vệ tài nguyên và môi trường”, ông Trần Việt Hà, Phó Ban quản lý Hepza đúc kết.

Theo Hepza, bên cạnh những thành tựu đạt được, mô hình phát triển KCX, KCN tại thành phố trong thời gian qua đã bộc lộ một số hạn chế. Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại, nhiều ưu thế trong thu hút đầu tư của Thành phố Hồ Chí Minh nói chung và KCX, KCN của thành phố nói riêng đã giảm bớt so với các địa phương lân cận do giá thuê đất cao, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Trong đó, thu hút đầu tư còn hạn chế do giai đoạn đầu phát triển thu hút nhiều ngành thâm dụng lao động, giá trị gia tăng thấp. Nhiều doanh nghiệp trong KCX, KCN có công nghệ lạc hậu, sử dụng lãng phí nguồn lực, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; tuyển dụng lao động có kỹ năng vào KCX, KCN gặp nhiều khó khăn, chi phí lao động cao so với các địa phương lân cận…

Chuẩn bị tốt hạ tầng, đổi mới công nghệ

Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh có 17 KCX, KCN trong tổng số 19 KCX, KCN được thành lập đi vào hoạt động; diện tích đất cho thuê là 1.964ha trên tổng số 2.539,06ha đất công nghiệp, tỷ lệ lấp đầy là 77%. Định hướng phát triển các KCX, KCN của thành phố theo hướng hiệu quả và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2025 do Hepza xây dựng nêu rõ, thành phố sẽ xây dựng các KCN mới có chất lượng và tính cạnh tranh cao, phù hợp với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Trong đó, đối với khu vực phía đông thành phố (KCX Linh Trung 1 và 2, KCN Bình Chiểu và KCN Cát Lái có quy mô 284,87ha), sẽ được bố trí trong Khu Đô thị sáng tạo, tương tác tốt với phía đông thành phố để bảo đảm không gian sản xuất công nghệ cao. Đối với phía nam thành phố (KCX Tân Thuận, KCN Hiệp Phước giai đoạn 1 và 2 có quy mô gần 3.000ha), sẽ chuyển đổi theo hướng thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao đối với KCX Tân Thuận và hình thành KCN sinh thái-đô thị-cảng đối với KCN Hiệp Phước…

Chia sẻ về phương thức thu hút doanh nghiệp đầu tư ngành nghề công nghệ cao, ông TSao Chung Hung, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tân Thuận cho biết, công ty áp dụng giá thuê đất hợp lý để không tạo áp lực tài chính đối với khách hàng; đầu tư xây dựng nhà xưởng phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp công nghệ cao để họ có sẵn hạ tầng đi vào sản xuất, không mất nhiều thời gian chờ đợi.

Cũng theo ông TSao Chung Hung, Chính phủ Việt Nam cũng như chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh chưa có chính sách khuyến khích doanh nghiệp thâm dụng lao động di dời, cho nên các doanh nghiệp này vẫn hoạt động cho đến thời điểm hết thời hạn thuê đất. Do vậy, các đơn vị dịch vụ quản lý hạ tầng KCX, KCN chỉ còn cách tự chuyển đổi cơ cấu thu hút đầu tư, khích lệ doanh nghiệp chuyển đổi mô hình hoạt động thông qua những cơ chế, chính sách làm “đòn bẩy” mà mỗi KCX, KCN nhận thấy phù hợp nhất.

Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm SaVi (KCX Tân Thuận) Trần Tựu chia sẻ, thời gian qua, công ty đã đầu tư mới Trung tâm Nghiên cứu phát triển công nghệ cao, đang trong quá trình đầu tư đổi mới toàn bộ trang thiết bị công nghệ tiên tiến (của các nước G7) tại nhà máy sản xuất dược phẩm để hướng tới mô hình “Sản xuất xanh”. Để doanh nghiệp các ngành công nghiệp chủ lực trên địa bàn thành phố nhanh chóng đổi mới hoạt động hướng tới mô hình sản xuất có tri thức cao, hiệu quả, thành phố nên tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư các dự án trọng điểm được hưởng chính sách kích cầu, miễn giảm lãi suất đầu tư; Nhà nước tiếp tục hoàn thiện chính sách khuyến khích doanh nghiệp nỗ lực đổi mới công nghệ.

Theo Nhandan

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo