Vietjet và Boeing chính thức ký kết thỏa thuận tái cấu trúc, thực hiện hợp đồng chiến lược lâu dài, bền vững (Farnborough 2022)
Tại Triển lãm hàng không quốc tế Farnborough 2022, Vietjet và Boeing chính thức ký kết thỏa thuận tái cấu trúc và tiếp tục thực hiện hợp đồng đặt mua 200 tàu bay Boeing 737.
Tập đoàn chế tạo máy bay hàng đầu thế giới Boeing và hãng hàng không thế hệ mới Vietjet vừa đạt được thỏa thuận thống nhất áp dụng lịch giao hàng linh hoạt, phù hợp với kế hoạch kinh doanh mở rộng toàn cầu của Vietjet cùng với các chính sách hỗ trợ phù hợp của Boeing để Vietjet thực hiện tốt đơn hàng quan trọng này.
Theo đó, những tàu bay đầu tiên của đơn đặt hàng sẽ sử dụng nguồn vốn quốc tế và giao cho Vietjet Thái Lan, hãng hàng không mang thương hiệu Việt Nam và hiện là một trong những hãng dẫn đầu thị trường nội địa Thái, được người dân ở đất nước “Chùa Vàng” yêu mến.
Thoả thuận cũng khẳng định cam kết hỗ trợ của Boeing về dịch vụ đào tạo, dịch vụ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu đầu tư… cho Vietjet và các dự án tại Việt Nam, nhằm hướng tới phát triển lâu dài, bền vững của 2 tập đoàn.
Ông John Bruns, Tổng Giám đốc Boeing châu Á – Thái Bình Dương, nhấn mạnh: “Chúng tôi rất vinh dự khi tiếp tục hợp tác với Vietjet để tăng cường phát triển dịch vụ hàng không tại một khu vực có ngành hàng không phát triển năng động nhất thế giới. Những tàu bay Boeing với khả năng vận hành hiệu quả, linh hoạt và công suất bay ấn tượng sẽ hỗ trợ đắc lực cho kế hoạch phát triển mạng bay của Vietjet tại châu Á và trên thế giới đồng thời là cam kết đầu tư của Boeing cho thị trường Việt Nam”.
Đơn đặt hàng 200 tàu bay của Vietjet với Boeing là một trong những thỏa thuận quan trọng góp phần cân bằng cán cân thương mại song phương Mỹ – Việt Nam.
Năm 2016, hãng hàng không Vietjet đã đặt mua 100 tàu bay hiện đại nhất của Boeing với kế hoạch giao hàng bắt đầu từ cuối năm 2019, đầu năm 2020. Hợp đồng ký kết trước sự chứng kiến của Tổng thống Barack Obama trong chuyến thăm của ông đến Việt Nam, tạo nên tiếng vang lớn trên trường thế giới về sự đổi mới ấn tượng của kinh tế Việt Nam khi lần đầu tiên một hãng hàng không tư nhân có thể đặt đơn hàng rất lớn với Tập đoàn Boeing hàng trăm năm lịch sử – niềm tự hào của nước Mỹ.
Trước đó, Vietjet đang có hợp đồng đặt hàng tàu bay A320 – 321 của Airbus và đã nhận tàu, đưa vào khai thác gần 100 tàu bay Airbus mới cùng nhiều hỗ trợ tích cực về các dịch vụ kỹ thuật, thành lập học viện đào tạo, nghiên cứu ứng dụng, hỗ trợ phát triển ngành hàng không Việt Nam… của nhà sản xuất máy bay hàng đầu đến từ châu Âu.
Năm 2019, Vietjet và Tập đoàn Boeing đạt thoả thuận nâng tổng đơn hàng lên 200 tàu bay, sự kiện công bố dưới sự chứng kiến của Tổng thống Donald Trump ngay tại thủ đô Hà Nội. Tổng thống Trump từng nói đây là sự kiện “đẹp nhất” trong chuyến đi Việt Nam của ông.
Sau những thỏa thuận quan trọng này, rất tiếc, hợp đồng giao 200 tàu bay đã bị gián đoạn do sự cố liên quan tới tàu bay 737 Max ảnh hưởng tới khả năng cung cấp máy bay của Boeing trên toàn thế giới và tiếp theo là những tác động dồn dập của đại dịch COVID-19 ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu của Boeing. Rất nhiều đơn đặt hàng và kế hoạch giao nhận tàu bay trên khắp thế giới đã bị hủy bỏ, trì hoãn vô thời hạn. Vietjet đã chịu những thiệt hại không nhỏ khi dòng máy bay 737 Max không được nhà chức trách các nước phê chuẩn và Boeing không thể giao hàng đúng hạn.
Trong khi nhiều hãng hàng không từ chối thực hiện hợp đồng thì Vietjet và Boeing kiên trì tìm tiếng nói chung để gặp nhau trong một chiến lược chung dài hạn. Cùng lúc, dịch bệnh bùng phát Vietjet kịp thời gửi tặng người dân Mỹ hàng triệu khẩu trang y tế khi đó khan hiếm trên toàn thế giới.
Đến năm nay, trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden, đơn đặt hàng đã được Vietjet và Boeing thống nhất tiếp tục triển khai, sau thời gian gián đoạn vì những biến cố với dòng tàu bay Boeing 737 Max, dịch bệnh COVID-19 và những khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua. Boeing đã đưa ra những phương án hỗ trợ phù hợp để đơn hàng có thể được tiếp tục.
Hãng hàng không tư nhân của Việt Nam đã đi qua đại dịch một cách đầy bản lĩnh, duy trì năng lực khai thác, năng lực tài chính để phát triển sau đại dịch. Việc Vietjet và Boeing thống nhất tiếp tục thực hiện các thỏa thuận đã ký kết là dấu mốc rất tích cực của quan hệ tin cậy, lâu dài giữa 2 quốc gia, kết quả của công tác ngoại giao kinh tế của các lãnh đạo Việt Nam.
Đàm phán lần này, Vietjet và Boeing đều thống nhất cao mục tiêu hướng tới phải là những chiến lược tầm nhìn với những mục tiêu dài hạn. Nếu chỉ dựa trên những lợi ích thương mại ngắn hạn thì hai bên không thể gặp nhau ở những điều khoản về đầu tư, chuyển giao công nghệ, đào tạo chuyên sâu,…
Về phía Vietjet, trong điều kiện thị trường hàng không mới bắt đầu hồi phục, điều kiện hạ tầng còn hạn chế ở Việt Nam, hãng hàng không tư nhân này có kế hoạch mang “màu cờ sắc áo Việt Nam” tới khai thác các vùng trời mới với cam kết hỗ trợ mạnh mẽ và toàn diện của tập đoàn sản xuất máy bay Boeing hàng đầu thế giới.
Với định hướng trở thành một hãng hàng không toàn cầu ngay từ khi ra đời, Vietjet không chỉ mang tới cơ hội bay cho hàng triệu người chưa từng được đi máy bay mà còn góp phần phát triển kinh tế địa phương, thúc đẩy những đổi mới trong các chính sách quản lý và các nhà cung cấp dịch vụ để cải thiện các tiêu chuẩn hoạt động tại Việt Nam. Đơn đặt hàng của Vietjet dự kiến mang tới 200.000 việc làm cho người dân Mỹ. Các kết quả đạt được không chỉ thúc đẩy tăng trưởng cho ngành hàng không và kinh tế Việt Nam mà còn thu hút thêm nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, bao gồm cả các tập đoàn lớn như Boeing và các nhà đầu tư đến từ Mỹ – nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Theo Chinhphu.vn