Dấu chân “kẻ đến sau”…

Trong phân khúc thời trang bình dân, Uniqlo không phải là một trong những thương hiệu đầu tiên đặt chân đến dải đất hình chữ S. Trước đó, nếu nhắc đến dòng thời trang bình dân, người ta phải kể đến những thương hiệu Zaza, H&M, hay là FullBear…

Zara, một thương hiệu đến từ Tây Ban Nha và được coi là “gã khổng lồ” trong phân khúc bình dân của làng thời trang thế giới. Họ đến Việt Nam vào tháng 9 năm 2016, với một cửa hàng rộng lớn tại Vincom Đồng Khởi, thành phố Hồ Chí Minh, và gây tiếng vang lớn trong thị trường bán lẻ thời trang Việt Nam thời điểm đó.

Một năm sau, H&M, công ty bán lẻ thời trang đa quốc gia của Thuỵ Điển, nổi tiếng với mặt hàng thời trang bình dân. Đây là nhà bán lẻ thời trang lớn thứ hai thế giới, đứng sau Inditex, công ty mẹ của Zara cũng đã đặt chân đến Việt Nam và được đón nhận nồng nhiệt bởi phong cách thời trang mang nét trẻ trung, gần gũi, dễ kết hợp phụ kiện, thích hợp trong nhiều sự kiện khác nhau.

Còn với Uniqlo, mãi đến cuối năm 2019, họ mới khai trương cửa hàng đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh, đây là thị trường thứ sáu của công ty ở Đông Nam Á, và cũng là một trong những thị trường được đánh giá là tiềm năng nhất trong khu vực.

Khi đó, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành của Fast Retailing, công ty mẹ của thương hiệu Uniqlo, Tadashi Yanai đã đánh giá cao tiềm năng phát triển của thị trường Việt Nam, và coi đây là “miền đất hứa”, là trung tâm bán hàng và sản xuất của Uniqlo tại khu vực trong tương lai.

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế gần 7%/năm, cùng cấu trúc dân số trẻ, năng động, và quy mô thị trường gần 100 triệu dân là những lý do khiến Uniqlo tin rằng, Việt Nam là thị trường rất có tiềm năng. “Tôi nghĩ Việt Nam có tiềm năng to lớn và sẽ là một trong những thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới”, ông Tadashi Yanai thời điểm đó cho biết.

Chính vì vậy, chỉ mới chưa đầy hai năm tham chiến tại thị trường Việt Nam, Uniqlo đã có tổng cộng 9 cửa hàng tại các trung tâm thương mại lớn trên cả nước. Mặc dù họ chưa công bố kết quả kinh doanh lẫn doanh số tại Việt Nam nhưng thời gian qua, thương hiệu này vẫn liên tục mở thêm nhiều cửa hàng mới và chiếm được cảm tình từ người tiêu dùng Việt.

Và tham vọng trong tương lai

Mới đây, tại buổi gặp gỡ các lãnh đạo doanh nghiệp Nhật trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản, lãnh đạo Tập đoàn Fast Retailing – công ty sở hữu thương hiệu thời trang Uniqlo đã có cuộc trao đổi cùng Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính.

Theo ông Tadashi Yanai, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc điều hành tập đoàn cho biết, thương hiệu Uniqlo hiện đang là đối tác thu mua của 45 nhà máy may mặc tại Việt Nam để cung cấp cho thị trường Việt Nam và thế giới. Và do đó, Việt Nam đã trở thành cơ sở sản xuất lớn thứ hai thế giới của tập đoàn.

Trên thực tế, tham vọng của Fast Retailing là rất lớn, họ đang có hơn 2.000 cửa hàng trên toàn thế giới và hơn 200 cửa hàng tại Đông Nam Á. Nhưng, kế hoạch trong vòng 10 năm tới của tập đoàn sẽ tăng gấp bốn lần số cửa hàng tại đây, lên con số 800 cửa hàng cho các thương hiệu chủ lực của hãng như Uniqlo, GU, Theory, PLST (Plus T), Comptoir des Cotonniers, Princesse tam.tam, J Brand và Helmut Lang.

Không chỉ tập trung vào việc chiếm lĩnh thị trường bán lẻ, Fast Retailing còn coi Việt Nam là trung tâm sản xuất lớn thứ hai, chỉ sau Trung Quốc. Nhưng, trong bối cảnh giá nhân công ở Trung Quốc cũng đang có chiều hướng gia tăng và cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đã đẩy mức thuế quan bổ sung của Mỹ đối với các sản phẩm của Trung Quốc lên cao, thêm vào đó là các thỏa thuận thương mại của Việt Nam với các nước khác đã khiến Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất hấp dẫn.

Chính vì vậy, Fast Retailing đang coi Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng nhất của Uniqlo, để làm bàn đạp tiến ra các thị trường trong khu vực, như câu nói của Chủ tịch Tadashi Yanai đã từng trả lời về tham vọng tại Việt Nam: “Không, chúng tôi không nói về 100 cửa hàng ở Việt Nam. Nhiều hơn nữa…”.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp