Với công suất 8.430 MW, thu hút sự tham gia của hơn 40 doanh nghiệp, sản lượng điện lên tới 10 tỷ kWh, dự án phát điện bằng năng lượng mặt trời này được đánh giá là một mô hình thành công trong phát triển điện mặt trời và phòng, chống sa mạc hóa ở Trung Quốc, góp phần tiết kiệm sử dụng 3,11 triệu tấn than đá, giảm phát thải 7,8 triệu tấn khí CO2 mỗi năm.
Vị trí xây dựng công trình điện mặt trời này nằm ở sa mạc Tala với 98,5% là đất cát, địa hình tương đối bằng phẳng và có tài nguyên năng lượng mặt trời phong phú, thời gian chiếu sáng gần 3.000 giờ/năm; có khả năng tạo ra nguồn điện năng hơn 20.000 MW và sản lượng 32,9 tỷ kWh/năm.
Để hoàn thành công trình trong thời gian gần 10 năm, đội ngũ thi công đã khắc phục nhiều bài toán nan giải về khí hậu và địa hình như bão cát và phản ứng cao nguyên trên độ cao gần 3.000m so mực nước biển, tìm tòi mô hình xây dựng công trình điện mặt trời quy mô lớn, tập trung và hiệu quả trong khai thác và chuyển đổi các tấm pin năng lượng mặt trời, tạo thành chuỗi tuần hoàn xanh, thân thiện mới môi trường.
Đến nay, với tổng diện tích 345km2, công trình điện mặt trời trên sa mạc này góp phần quan trọng vào bảo vệ và cải thiện điều kiện tự nhiên tại địa phương, khi giảm tới 41,2% tốc độ gió và bão cát, tăng 32% độ ẩm cho đất đai ở độ sâu 20cm, việc phủ xanh bằng các loại thực vật có tác dụng chống bão cát, cũng góp phần giảm diện tích sa mạc hóa hơn 100km2.
Đáng chú ý, phát điện bằng năng lượng mặt trời trên sa mạc tuy có tiềm năng lớn về công suất, nhưng lại đối mặt với những bài toán khó như bị gián đoạn khi ban đêm không có ánh sáng mặt trời, nguồn điện không ổn định khi gặp thời tiết mưa bão…, do vậy khó đạt đến công suất khai thác tối đa.
Các nhà thiết kế đã nghiên cứu và đưa ra mô hình hệ thống vận hành và điều tiết giữa thủy điện và điện mặt trời, khi kết hợp công trình này với nhà máy thủy điện Long Dương Hiệp cách đó khoảng 36km, tạo ra nguồn điện an toàn và ổn định.
Một đường dây chuyển tải điện 330 kV đã kết nối và tạo ra công trình điều tiết thủy điện và điện mặt trời với công suất 850 MW, có quy mô lớn nhất thế giới, khắc phục được nhược điểm gián đoạn về ban đêm của điện mặt trời và thay đổi lưu lượng nước theo mùa của thủy điện.
Thanh Hải là địa phương dẫn đầu Trung Quốc về phát điện từ năng lượng sạch và năng lượng mới (lần lượt chiếm tỷ trọng 90,83% và 61,36% trong tổng công suất phát điện của địa phương). Riêng nửa đầu năm 2022, sản lượng điện mặt trời đạt 12,919 tỷ kWh, tăng 20,4%, điện gió đạt 8,341 tỷ kWh, tăng 15,2% so cùng kỳ năm ngoái.
Với việc khai thác tốt lợi thế, tiềm năng về điện gió và điện mặt trời, địa phương này được kỳ vọng sẽ đóng góp lớn vào thực hiện mục tiêu tăng gấp đôi sản lượng điện gió và điện mặt trời vào năm 2025 theo Quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo mà Trung Quốc ban hành mới đây.
Theo Nhandan