Năm 2021, các lực lượng chức năng tại các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện tốt mục tiêu “kép”, vừa căng mình phòng, chống dịch Covid-19 vừa thực hiện an toàn, hiệu quả thông quan hàng hóa thông thoáng tại các cửa khẩu.
Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn, Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết: Để đạt được kết quả trên Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu đã phối hợp chặt chẽ các đơn vị, lực lượng chức năng hải quan, biên phòng… tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp tại các cửa khẩu, tạo thuận lợi thông quan hàng hóa an toàn và hiệu quả, vừa kết hợp triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19. Nhờ đó đã góp phần giữ vững ổn định và an toàn môi trường đầu tư, kinh doanh trong Khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn.
Tuy nhiên, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn và công tác quản lý biên giới, quản lý thương mại gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu giảm mạnh. Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu đã kịp thời tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh trong công tác chỉ đạo, điều hành, giải quyết các khó khăn vướng mắc tại các cửa khẩu.
Phó Cục hải quan Lạng Sơn Vi Công Tường chia sẻ: Mặc dù diễn biến phức tạp về phòng, chống dịch Covid-19 tại khu vực biên giới, phía bạn thực hiện chiến dịch “nói không với Covid-19”, một số cửa khẩu bị tạm dừng thông quan, gây nên cảnh ùn ứ hàng nông sản kéo dài. Trên địa bàn chỉ còn 4 cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Cao Lộc); cửa khẩu phụ Tân Thanh, (Văn Lãng); cửa khẩu song phương Chi Ma, (Lộc Bình) và Ga đường sắt Đồng Đăng, cơ bản duy trì hoạt động thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu.
Để tiếp tục xây dựng và phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế của tỉnh, Phó Chủ tịch UBNND tỉnh Đoàn Thu Hà khẳng định, trong năm 2022, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm cơ bản sau: Khai thác hiệu quả các công trình cơ sở hạ tầng cửa khẩu; đầu tư, cải tạo các hạng mục nhằm phục vụ điều kiện làm việc của các lực lượng trong công tác kiểm tra, kiểm soát xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu.
Triển khai các hoạt động phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch nội địa tại các khu vực cửa khẩu, Tăng cường công tác quản lý, điều hành và thực hiện tốt công tác phối hợp các lực lượng chức năng bảo đảm các hoạt động tại cửa khẩu được thực hiện thống nhất, đồng bộ, chặt chẽ, có trật tự, có nề nếp; tiếp tục duy trì trao đổi, hội đàm, phối hợp cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương phía Quảng Tây (Trung Quốc) để sớm khôi phục hoạt động thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu phụ; kịp thời giải quyết các vướng mắc, tạo thuận lợi thông quan hàng hóa, rút ngắn thời gian kiểm tra, kiểm soát các hàng hóa xuất nhập khẩu, nâng cao năng lực xếp dỡ, giải phóng lượng xe tồn nhiều bên Trung Quốc để cắt giảm các chi phí của doanh nghiệp xuất nhập khẩu, nhất là chi phí bến bãi..
Chỉ đạo các sở, ngành và UBND các huyện giáp biên tiếp tục triển khai thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh. Đồng thời thông tin, tuyên truyền đến các doanh nghiệp kinh doanh bến bãi, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hoạt động xuất, nhập khẩu về việc chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 trong quá trình hoạt động tại khu vực cửa khẩu.
Thực hiện các thủ tục đưa tuyến đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 vào hoạt động chính thức và trở thành lối thông quan thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam)-Hữu Nghị Quan (Trung Quốc), các thủ tục nâng cấp và chính thức mở cặp cửa khẩu song phương Bình Nghi (Việt Nam)-Bình Nhi Quan (Trung Quốc), hoàn thiện các thủ tục để trình Chính phủ hai bên phê chuẩn thời gian làm việc chính thức tại cặp cửa khẩu Chi Ma-Ái Điểm và bổ sung vào Hiệp định về cửa khẩu và Quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa nhằm nâng cao năng lực thông quan hàng hóa.
Triển khai xây dựng mô hình “cửa khẩu kiểu mẫu” tại cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam)-Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) và vận hành “luồng xanh” thông quan nhanh hàng nông sản tại cửa khẩu Tân Thanh. Hoàn thiện các hạng mục xây dựng cơ sở hạ tầng, quy hoạch cửa khẩu để triển khai Đề án phát triển thương mại, du lịch Tân Thanh.
Đổi mới, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư, thu hút các nhà đầu tư chiến lược; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư xây dựng và phát triển khu kinh tế cửa khẩu; triển khai thí điểm Nền tảng cửa khẩu số tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh… góp phần phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo, cải cách hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu tốt hơn.
Theo Báo Nhân dân