Một mỏ than được đánh giá thuộc diện có chất lượng than tốt nhất ở Quảng Ninh được giao cho Công ty PT.Vietmindo (Indonesia) khai thác từ năm 2009 và sẽ hết hạn vào 13.2.2022. Trong suốt quá trình từ khi bắt đầu khai thác, đã xảy ra khá nhiều vụ vi phạm về ranh giới khai thác, rồi mất an ninh trật tự ngay tại khai trường của công ty này. Đại diện Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Quảng Ninh cho biết đã có công văn gửi Công ty PT.Vietmindo, thông báo về việc hợp đồng thuê đất đối với khu vực công ty này được Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cấp phép khai thác than tại Uông Thượng, phường Vàng Danh, TP.Uông Bí đã hết hạn.
Trường hợp Công ty PT.Vietmindo muốn tiếp tục thuê đất thì phải căn cứ vào nhiều yếu tố, trong đó có việc liệu có được các bộ, ngành liên quan đồng ý gia hạn giấy phép khai thác hay không.
TKV trước đó đã có văn bản giao Công ty than Uông Bí – đơn vị được TKV giao trực tiếp thực hiện Hợp đồng hợp tác kinh doanh Công ty PT.Vietmindo – làm việc với Công ty PT.Vietmindo để có đầy đủ hồ sơ, tài liệu và triển khai ngay các công việc liên quan đến đóng cửa mỏ ngay sau khi giấy phép khai thác hết hiệu lực.
Tuy nhiên, theo TKV, quá trình thực hiện các công việc liên quan đến đóng cửa mỏ có thể sẽ gặp khó khăn do trong suốt quá trình thực hiện Hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty PT.Vietmindo đã nảy sinh nhiều vướng mắc.
Trong thực tế, Công ty PT.Vietmindo Energitama được cấp phép hoạt động từ năm 1991, thời hạn 30 năm, hoạt động theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) giữa Công ty Than Uông Bí và Công ty Vietmindo (Indonesia).
Vốn pháp định 27 triệu USD do phía nước ngoài đóng góp, Công ty Than Uông Bí đóng góp bằng trữ lượng than Antraxit, số liệu thăm dò khai thác… và được hưởng 10% trên tổng số than thương phẩm do bên đầu tư sản xuất.
Năm 1997, Công ty PT. Vietmindo mới bắt đầu khai thác tại mỏ Uông Thượng. Năm 2009, theo quy định của Luật Khoáng sản, Bộ TN&MT cấp Giấy Khai thác 1555/GP-BTNMT cho Công ty than Uông Bí – đối tác trong hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Vietmindo. Theo đó, công suất khai thác hằng năm là 500.000 tấn than thương phẩm, tương ứng với 650.000 tấn than nguyên khai, khai thác lộ thiên, cốt cao + 180m tại các vỉa V.3, V.4, V.5, V.6, V.8, V.9 tại khu vực Uông Thượng.
Trong suốt quá trình khai thác, công ty này từng vi phạm hợp đồng, giấy phép nhiều lần, như khai thác vượt số lượng cho phép hàng năm, khai thác dưới mức sâu cho phép. Trong đó, công ty từng bị phạt 200.000.000 đồng, đồng thời buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính đối với khối lượng than nguyên khai đã khai thác dưới +180m là trên 77.000 tấn.
Chính quyền địa phương cũng luôn “đau đầu” với tình hình trật tự bên trong khai trường của công ty này. Trong đó, năm 2019, việc khúc mắc giữa công ty này liên quan đến hợp đồng bốc xúc đất đá với một công ty bên ngoài đã gây mất trật tự, thâm chí là gây căng thẳng, xô xát ngay tại khai trường, ảnh hưởng đến an toàn của cán bộ công nhân và tình hình an ninh trật tự.
Theo Báo Lao động