Mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu hàng tỷ USD hàng nông sản, thực phẩm. Cùng với đó, với mạng lưới cung ứng rộng khắp, các chuỗi thực phẩm và bán lẻ đã giúp bình ổn thị trường trong nước, ngăn chặn những nguy cơ đầu cơ, tăng giá trong suốt giai đoạn đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Song, với yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, đặc biệt là tiêu chuẩn khắt khe của thị trường nhập khẩu đòi hỏi các doanh nghiệp phải liên tục đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như đảm bảo quy trình hoạt động theo chuỗi.
Tại hội thảo “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong tình hình mới” do Bộ Công Thương tổ chức sáng 30/6, ông Nguyễn Việt Tấn – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) – chia sẻ, Việt Nam đã tham gia 17 hiệp định thương mại tự do. Khi các Hiệp định thương mại tự do được ký kết ngày càng nhiều, các “hàng rào thuế quan” gần như được dỡ bỏ theo nguyên tắc chung là tạo thuận lợi tối đa cho thương mại. Do đó, các vấn đề về thuế, hải quan, hạn ngạch, các thủ tục hành chính, điều kiện gia nhập thị trường… không còn thực sự là trở ngại lớn đối với bất kỳ nhà đầu tư, nhà sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, thay vào đó, vì nhiều mục tiêu khác nhau như bảo vệ sức khỏe con người, động thực vật, các vấn đề môi trường, lợi ích quốc gia bao gồm an ninh, quốc phòng và kể cả lợi ích kinh tế, các nước sẽ tăng cường việc xây dựng các “hàng rào kỹ thuật về TBT” (“biện pháp TBT”) và “các biện pháp an toàn, vệ sinh động thực vật” (“biện pháp SPS”).
“Hiện nay, trong bối cảnh các chuỗi cung ứng thực phẩm chịu nhiều ảnh hưởng đột ngột một cách trực tiếp và gián tiếp từ tình hình dịch bệnh, các biến động về chính trị, giá nhiên liệu tăng cao… các biện pháp đảm bảo đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm một cách đồng bộ và linh hoạt đang ngày càng trở nên quan trọng” – ông Nguyễn Việt Tấn nêu.
Nhiều thị trường xuất khẩu thực phẩm chế biến quan trọng của Việt Nam đang dần chuyển đổi phương thức quản lý an toàn thực phẩm nhập khẩu theo hướng toàn chuỗi, từ đó đưa ra các yêu cầu về trách nhiệm đa bên của nước xuất khẩu.
Ông Nguyễn Việt Tấn dẫn chứng, 2 nội dung đáng chú ý gần đây liên quan tới hai thị trường lớn là Liên minh Châu Âu và Trung Quốc. Về yêu cầu của Liên minh Châu Âu đối với chứng nhận dư lượng ethylene oxide trong các sản phẩm mỳ ăn liền, Từ tháng 9/2020, nhiều quốc gia EU đã phát hiện dư lượng ethylene oxide (EO) trong các lô hạt vừng vượt nhiều lần so với ngưỡng giới hạn cho phép.
Tại một số quốc gia, EO thường được sử dụng trong chế biến nông sản để hun trùng, vì vậy EU đã nhanh chóng mở rộng hoạt động kiểm tra dư lượng ra nhiều nhóm mặt hàng chế biến, trong đó một số lô hàng mỳ ăn liền sản xuất tại Việt Nam và Hàn Quốc đã phát hiện có dư lượng EO vượt ngưỡng.
“Kể từ tháng 1/2022, EU đã tăng tần suất kiểm tra đối với mặt hàng mỳ ăn liền xuất xứ từ Việt Nam lên 20% và yêu cầu mỗi lô hàng cần kèm theo chứng thư cấp bởi cơ quan quản lý nhà nước tại Việt Nam xác nhận đạt yêu cầu của EU về dư lượng EO dựa trên kết quả kiểm nghiệm.”- ông Nguyễn Việt Tấn thông tin.
Đối với yêu cầu của Trung Quốc về quản lý doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm vào thị trường Trung Quốc theo Lệnh 248 và Lệnh 249, trong năm 2021, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ban hành Lệnh số 248 “Quy định về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài” và Lệnh số 249 về “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu” có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Điển hình về các nhóm mặt hàng thuộc ngành Công Thương chịu ảnh hưởng từ quy định này bao gồm sản phẩm chất béo và dầu thực phẩm, sản phẩm bánh có nhân, và sản phẩm công nghiệp xay xát ngũ cốc và mạch nha
Ông Nguyễn Việt Tấn cho rằng, điểm chung của hai trường hợp điển hình trên là yêu cầu cao về sự phối hợp giữa các đơn vị chức năng như công thương, nông nghiệp, y tế, hải quan và xuất nhập khẩu, thương vụ, mạng lưới cơ sở kiểm nghiệm… ở cả cấp trung ương và địa phương, cũng như những áp lực mạnh mẽ về thời gian và tính đồng bộ nhằm đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp và uy tín của nhà sản xuất Việt Nam tại các thị trường quốc tế.
“Trong bối cảnh đó, phương thức triển khai đáp ứng điều kiện của nước nhập khẩu cần được xây dựng một cách linh hoạt và bám sát thực tế hoạt động sản xuất, thương mại của các doanh nghiệp, đồng thời có quy trình khoa học nhằm tạo tiền đề cho các hoạt động nâng cao năng lực, tăng cường hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm về lâu dài.“- ông Nguyễn Việt Tấn nhấn mạnh.
Doanh nghiệp xuất khẩu cần tìm hiểu kỹ về các quy định, biện pháp TBT, SPS
Thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, Bộ Công Thương cũng như các Bộ, ngành luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc nắm bắt thông tin, khẩn trương thống nhất phương án triển khai đáp ứng các quy định, ban hành các văn bản hướng dẫn và thực hiện hoạt động tuyên truyền, giải đáp.
Thực tế triển khai cho thấy, khi các quốc gia và vùng lãnh thổ đưa ra những quy định mới về đảm bảo an toàn thực phẩm thông qua yêu cầu kỹ thuật, đặc biệt là khi gắn các yêu cầu kỹ thuật với các yêu cầu về thủ tục và hồ sơ, nhiều bất cập sẽ xuất hiện do sự thiếu sẵn sàng của hệ thống quản lý của bên nhập khẩu, ví dụ như sự thiếu đồng bộ trong cách thức phê duyệt chứng thư tại các cảng hải quan khác nhau của khu vực EU, sự thiếu hoàn thiện trong hệ thống quản lý doanh nghiệp trực tuyến của Tổng cục Hải quan Trung Quốc…
Đây là những thách thức đối với cơ quan quản lý của Việt Nam trong quá trình xây dựng cơ sở pháp lý cho hoạt động quản lý và triển khai hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp, nhưng đồng thời cũng là cơ hội để phía Việt Nam góp ý, tham gia vào quá trình đàm phán, vận dụng hiệu quả vai trò thành viên trong các hiệp định thương mại tự do nhằm giảm thiểu các rào cản đối với hoạt động giao thương.
“Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong việc đối thoại với Ủy ban châu Âu cũng như Tổng cục Hải quan Trung Quốc nhằm triển khai các quy định, hài hòa hóa phương thức quản lý của hai bên và đơn giản hóa các thủ tục” – ông Nguyễn Việt Tấn cho hay.
Kết quả bước đầu, đã có nhiều doanh nghiệp Việt Nam được giản lược thủ tục đăng ký với phía Trung Quốc thông qua quy trình đánh giá nhanh và được tháo gỡ vướng mắc trong quá trình hoàn thiện hồ sơ. Ủy ban Châu Âu đã đưa các mặt hàng chế biến bột không kèm gia vị của Việt Nam như mì khô, miến khô, phở khô, bánh đa… ra khỏi diện yêu cầu chứng thư và kiểm tra tần suất cao về dư lượng EO, từ đó giảm thiểu đáng kể số lượng mặt hàng và lô hàng của doanh nghiệp Việt Nam bị ảnh hưởng. Hai bên cũng thống nhất phối hợp rà soát số liệu thống kê để giảm tần suất hoặc huỷ kiểm tra sản phẩm của Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Việt Tấn, mặt hàng thực phẩm của Việt Nam phải đối mặt với không ít thách thức từ quá trình hội nhập và những xu hướng phát triển về công nghệ, chính trị, thương mại; điều này đặt ra cho hoạt động quản lý an toàn thực phẩm đối với sản phẩm ngành Công Thương những nhiệm vụ và yêu cầu mới theo các định hướng sau:
Một là, tiếp tục bám sát và thực hiện triệt để, quyết liệt và đồng bộ các chủ trương, đường lối của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ đối với các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện mục tiêu phát triển bền vững trong các lĩnh vực của ngành Công Thương.
Hai là, tập trung nguồn lực rà soát, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về đảm bảo an toàn thực phẩm; tăng cường vai trò và tiếng nói của các đơn vị kỹ thuật, các viện nghiên cứu, các hiệp hội chuyên môn và ngành hàng; phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan, Bộ ngành trong công tác rà soát, đánh giá tình hình thực hiện, định hướng và xây dựng nhiệm vụ thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đồng bộ hệ thống quản lý an toàn thực phẩm.
Ba là, nghiên cứu thị trường và xúc tiến thương mại, tìm hiểu các thông tin về TBT, SPS của các quốc gia nhập khẩu. Thông tin kịp thời sự thay đổi trong các quy định về ATTP của các nước tới doanh nghiệp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu.
Bốn là, doanh nghiệp cũng cần nâng cao trách nhiệm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn nhằm nâng cao vị thế của các sản phẩm thực phẩm của Việt nam trên thị trường thương mại thế giới.
Để tránh thiệt hại kinh tế và ảnh hưởng lâu dài đến uy tín của mình, ông Nguyễn Việt Tấn lưu ý, doanh nghiệp xuất khẩu cần hết sức thận trọng, tìm hiểu kỹ về các quy định, các biện pháp TBT, SPS liên quan đến sản phẩm của từng thị trường thông qua hệ thống các cơ quan, tổ chức hỗ trợ, tư vấn.
“Điều đó sẽ giảm thiểu tối đa cho doanh nghiệp về thời gian, chi phí, nhất là khi sản phẩm đã xuất khẩu đi nhưng bị áp dụng các quyết định thu hồi, kiện bồi thường vì không đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu” – ông Nguyễn Việt Tấn nhấn mạnh.
Theo MOIT