Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái là khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm quốc gia, trung tâm phát triển kinh tế quan trọng và kết nối quốc tế.
Theo quyết định 368/QĐ-TTg ngày 16/3, phạm vi lập quy hoạch theo ranh giới thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh bao gồm thành phố Móng Cái và một phần huyện Hải Hà (thị trấn Quảng Hà và các xã Quảng Minh, Quảng Thành, Cái Chiên và Quảng Phong). Quy mô lập quy hoạch có diện tích tự nhiên gần 122 ha, trong đó diện tích đất tự nhiên hơn 69 ha và diện tích mặt biển gần 51,8 ha.
Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái là khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm quốc gia, trung tâm phát triển kinh tế quan trọng của vùng Bắc Bộ, của vành đai kinh tế ven biển Bắc bộ và hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) – Hà Nội – Hải Phòng – Móng Cái – Phòng Thành (Trung Quốc); trung tâm kinh tế thương mại cửa khẩu, công nghiệp và cảng biển, logistics, dịch vụ tổng hợp của tỉnh Quảng Ninh và vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ. Đây cũng sẽ là Khu du lịch quốc gia có tính chất du lịch biển đảo, thương mại cửa khẩu; đô thị biển hiện đại và bền vững; khu vực có vị trí đặc biệt về chiến lược, quan trọng về quốc phòng, an ninh.
Mô hình cấu trúc Khu kinh tế gồm 3 hành lang, 2 vùng phát triển động lực là thành phố Móng Cái và Khu đô thị – công nghiệp cảng biển Hải Hà. Trong đó, các khu vực đô thị, nông thôn, biên giới – cửa khẩu, mặt biển và khu vực các đảo được định hướng phát triển cảnh quan, không gian, hạ tầng kinh tế – xã hội cụ thể theo đặc thù; quy hoạch giao thông đối nội, đối ngoại với hệ thống cao tốc, quốc lộ, cảng biển,… Khu vực đô thị dịch vụ tập trung phát triển theo hành lang giới hạn giữa QL18 và đường ven biển. Khu vực ven biển và đảo phát triển khu đô thị, khu du lịch, khu nông nghiệp công nghệ cao và các dự án sinh thái trên cơ sở bảo vệ cảnh quan, hệ sinh thái, ưu tiên dịch vụ du lịch chất lượng cao. Khu vực đồi núi phía Bắc QL18 đến biên giới Việt – Trung phát triển theo hướng bảo vệ hệ sinh thái đồi rừng, nông nghiệp công nghệ cao và du lịch.
Đến năm 2030, Khu kinh tế sẽ có khoảng 310-320 nghìn người; đến năm 2040 khoảng 460-470 nghìn người, trong đó bao gồm dân số quy đổi từ lượng khách du lịch khoảng 8-9 triệu lượt khách/năm, đất xây dựng khoảng 25,4-26 nghìn ha. Giai đoạn 2021-2030 ưu tiên phát triển hệ thống hạ tầng khung, giao thông động lực và mở rộng không gian đô thị, thu hút đầu tư phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái trở thành 1 trong 8 Khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm; 10 năm tiếp theo tiếp tục hoàn thiện đồng bộ các dự án gắn với quy hoạch như dự án về thương mại (Khu hợp tác kinh tế qua biên giới, các cửa khẩu quốc tế); dịch vụ du lịch, công nghiệp.
Theo VOV.VN