Bất chấp tác động của COVID-19, sự phân bố địa lý của sản xuất giày dép trên giới không bị ảnh hưởng. Ngành công nghiệp giày dép tiếp tục tập trung mạnh ở châu Á, cứ 10 đôi giày thế giới làm ra thì có tới 9 đôi được sản xuất tại đây – chiếm 87% tổng sản lượng giày dép thế giới, tăng thêm 0,2 điểm phần trăm tỷ trọng trong sản xuất giày dép thế giới.
Năm 2020, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành kinh doanh giày dép thế giới, với sản xuất giảm 15,8% (tương đương giảm gần 4 tỷ đôi) so với năm 2019, đạt 20,5 tỷ đôi. Bất chấp tác động của COVID-19, sự phân bố địa lý của sản xuất giày dép trên giới không bị ảnh hưởng.
Ngành công nghiệp giày dép tiếp tục tập trung mạnh ở châu Á, cứ 10 đôi giày thế giới làm ra thì có tới 9 đôi được sản xuất tại đây – chiếm 87% tổng sản lượng giày dép thế giới, tăng thêm 0,2 điểm phần trăm tỷ trọng trong sản xuất giày dép thế giới. Tiếp theo là Nam Mỹ chiếm 4,6%, châu Âu chiếm 3,2%, châu Phi chiếm 3,1%, Bắc Mỹ chiếm 1,5%. Trung Quốc là nước sản xuất giày dép lớn nhất thế giới (chiếm 54,3% tổng sản lượng).
Tuy nhiên, năm 2020, sản xuất giày dép của Trung Quốc đã giảm hơn 2 tỷ đôi so với năm 2019, và tiếp tục giảm thị phần trên thế giới (giảm 1 điểm phần trăm). Điều này phản ánh sự chuyển dịch sản xuất sang các nước châu Á khác. Đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh đến tiêu dùng giày dép ở các nền kinh tế phát triển như Bắc Mỹ và châu Âu, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa mức tiêu thụ bình quân đầu người giữa các châu lục. Khoảng cách giữa tiêu thụ giày dép theo bình quân đầu người ở Bắc Mỹ và châu Phi đã giảm từ 4 đôi trong năm 2019 xuống còn 2,8 đôi vào năm 2020 (mức tiêu thụ giày dép bình quân đầu người ở châu Phi là 1,5 đôi/người/năm, ở Bắc Mỹ là 4,3 đôi/người/năm.
Mức tiêu thụ giày dép trên đầu người cũng giảm mạnh ở châu Âu và châu Đại Dương, nhưng giảm ít hơn nhiều ở châu Á và Nam Mỹ. Năm 2020, châu Á chiếm 55,8% tổng mức tiêu thụ giày dép trên toàn thế giới, tiếp theo là châu Âu và Bắc Mỹ với mức tiêu thụ lần lượt là 13,6% và 13,1% trong tổng lượng tiêu thụ trên toàn thế giới.
Tính theo từng thị trường, tiêu thụ giày dép tiếp tục phản ánh theo mật độ dân cư. Tiêu thụ giày dép tại Mỹ lần đầu tiên giảm xuống dưới 10% tổng tiêu thụ của thị trường thế giới. Trong khi, mức tiêu thụ giày dép của Trung Quốc đã vượt 20% và cùng với Ấn Độ, hiện 2 thị trường này chiếm gần 1/3 tổng tiêu thụ thế giới.
Việt Nam chiếm 10,2% tổng số lượng giày dép xuất khẩu của thế giới Tổng số lượng giày dép xuất khẩu của thế giới năm 2020 đạt 12,1 tỷ đôi giảm 19% so với năm trước, thấp nhất trong 10 năm qua. Đại dịch COVID-19 đã phá vỡ chuỗi giá trị quốc tế, dẫn đến giảm tỷ lệ xuất khẩu, từ 62% trong năm 2019 xuống 59% trong năm 2020.
Châu Á tiếp tục là khu vực thị trường xuất khẩu giày dép lớn nhất thế giới, nhưng tỷ trọng giảm dần trong tổng xuất khẩu giày dép thế giới trong 10 năm qua. Xu hướng này tiếp tục diễn ra trong năm 2020. Tỷ trọng xuất khẩu giày dép của các châu lục khác cũng có xu hướng giảm, ngoại trừ châu Âu – khi khu vực này có tỷ trọng xuất khẩu tăng gần 4 điểm phần trăm trong tổng xuất khẩu của thế giới kể từ năm 2011, chủ yếu là do đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến giao thương hàng hóa, khiến thương mại nội khối châu Âu tăng lên.
Trung Quốc tiếp tục là quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu giày dép, với lượng đạt 7,402 tỷ đôi, chiếm 61,1% thị phần. Tuy nhiên, trong 10 năm qua, thị phần xuất khẩu giày dép của Trung Quốc giảm 12 điểm phần trăm từ mức 73,1% năm 2011 xuống còn 61,1% năm 2020. Sự sụt giảm này đến từ sự vươn lên của Việt Nam, Indonesia và một số thị trường khác.
Việt Nam xếp thứ hai thế giới về xuất khẩu giày dép, với lượng xuất khẩu đạt 1,233 tỷ đôi trong năm 2020, lần đầu tiên Việt Nam vượt qua mức 10% tổng số lượng giày dép xuất khẩu của thế giới (chiếm 10,2%), tăng 4,4 lần so với năm 2011 (chiếm 2,3%, với 316 triệu đôi giày được xuất khẩu).
Đáng chú ý, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu giày vải lớn nhất (về giá trị), vượt xa Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên kể từ khi xuất bản World Footwear Yearbook, Trung Quốc không dẫn đầu xuất khẩu đối với một loại giày dép. Các quốc gia kế tiếp gồm Indonesia xuất khẩu 366 triệu đôi (3% thị phần); Đức 301 triệu đôi (2,5% thị phần); Thổ Nhĩ Kỳ 280 triệu đôi (2,3% thị phần).
Diễn biến của giá xuất khẩu trung bình của thế giới cho một đôi giày dép tiếp tục cho thấy xu hướng tăng, với tốc độ tăng trung bình 3,3%/năm kể từ năm 2011. Năm 2020, bất chấp xu hướng tiêu cực của tiêu dùng do đại dịch COVID-19, giá xuất khẩu trung bình của giày dép thế giới vẫn tăng 6%, lần đầu tiên vượt trên 10 USD/đôi.
Với chủng loại giày dép xuất khẩu, sau một thập kỷ tăng trưởng, tỷ trọng giày vải trong xuất khẩu của thế giới đã giảm về lượng trong 2 năm qua, mặc dù có giá trị ổn định, phản ánh sự tăng giá của loại giày này. Giày da tăng nhẹ tỷ trọng về số lượng xuất khẩu trong cùng kỳ, đảo ngược xu hướng giảm diễn ra từ đầu thế kỷ, và có thị phần ổn định về giá trị.
Xét về kim ngạch, trong giai đoạn 2016 – 2019, kim ngạch xuất khẩu giày dép của thế giới tăng trưởng bình quân 4,5%/năm, từ 130,49 tỷ USD trong năm 2016 lên 148,72 tỷ USD trong năm 2019. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu giày dép của thế giới giảm 14,7% so với năm 2019, do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Sự sụt giảm trong xuất khẩu giày dép trong năm 2020 đã kéo tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân giai đoạn 2016 – 2020 giảm 0,7%/năm. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất mặt hàng giày dép.
Trong giai đoạn 2016 – 2019, kim ngạch xuất khẩu giày dép của Trung Quốc tương đối ổn định, đạt 47,8 tỷ USD/năm. Năm 2020, xuất khẩu giày dép của Trung Quốc giảm 20,3% so với năm 2019, kéo xuất khẩu giày dép của Trung Quốc trong giai đoạn 2016 – 2020 giảm 5,5%/năm. Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu giày dép của Trung Quốc trong giai đoạn 2016 – 2020 có xu hướng giảm từ 36,6% trong năm 2016 xuống còn 30%.
Việt Nam là thị trường xuất khẩu giày dép lớn thứ 2 thế giới, với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 – 2019 tăng 12,1%/năm. Năm 2020, ảnh hưởng của dịch COVID-19, xuất khẩu giày dép của Việt Nam giảm 9,1% so với năm 2019. Tính chung trong giai đoạn 2016 – 2020, xuất khẩu giày dép của Việt Nam tăng trưởng bình quân 6,4%/năm. Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam trong giai đoạn 2016 – 2020 có xu hướng tăng từ 10,3% trong năm 2016 lên 13,6% trong năm 2020.
Tình hình xuất khẩu giày dép của Việt Nam và triển vọng xuất khẩu sang một số thị trường chủ lực:
Giày dép là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (chiếm khoảng 7% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước), với kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 11,2%/năm trong giai đoạn 2015 – 2019. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, xuất khẩu giày dép của Việt Nam giảm 8,3% so với năm 2019, đạt 16,79 tỷ USD.
Bước vào năm 2021, tín hiệu xuất khẩu giày dép hồi phục vào những tháng đầu, thì đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 (từ cuối tháng 4/2021) đã đẩy nhiều doanh nghiệp da giày vào tình thế khó khăn. Nhiều doanh nghiệp phải giảm sản lượng, thậm chí ngừng sản xuất, trong khi nhiều chi phí tăng cao, nguồn lao động không đảm bảo… Từ cuối tháng 9/2021 tình hình dịch bệnh có cải thiện, nhưng việc phục hồi sản xuất trong điều kiện “bình thường mới” sẽ phải mất nhiều tháng mới có thể trở lại mức trước khi xảy ra dịch bệnh.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam trong quý III/2021 đạt 2,925 tỷ USD, giảm 47,7% so với quý II/2021; giảm 26,9% so với cùng kỳ năm 2020. Nếu xét về số tuyệt đối thì trong số các ngành hàng xuất khẩu, giày dép là mặt hàng có kim ngạch sụt giảm mạnh nhất so với quý II/2021, khi giảm 2,67 tỷ USD; so với cùng kỳ năm 2020 thì đứng thứ 2 (sau mặt hàng đá quý, kim loại quý và sản phẩm), khi giảm 1,08 tỷ USD. Tuy nhiên, do các tháng đầu năm xuất khẩu giày dép vẫn tăng cao nên tính chung 9 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 13,31 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2020 – thấp hơn mức tăng 12,8% của 9 tháng đầu năm 2019 (thời điểm chưa có dịch Covid-19).
Mặt hàng giày dép của Việt Nam đã được xuất khẩu tới hơn 150 thị trường trên thế giới, trong đó, tập trung ở những thị trường chính như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh…
Trong những năm qua, Mỹ là thị trường nhập khẩu nhiều nhất mặt hàng giày dép các loại của Việt Nam. Trước năm 2020, xuất khẩu giày dép sang thị trường Mỹ giữ được nhịp độ tăng trưởng tốt về kim ngạch (liên tục trong nhiều năm tăng ở mức 2 con số), với tốc độ tăng trưởng trung bình trong giai đoạn 2015 – 2019, đạt 13%/năm. Xuất khẩu sang thị trường này chiếm tới hơn 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành.
Năm 2020, ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên xuất khẩu giày dép sang thị trường này giảm, nhưng đã tăng mạnh trở lại trong những tháng đầu năm 2021. Mỹ đang tập trung sự bảo vệ các mặt hàng công nghệ cao trong nước nhiều hơn là vào các mặt hàng thiết yếu như giày dép, dệt may vốn không phải thế mạnh của các nhà sản xuất nội địa Mỹ. Đồng thời, với việc Mỹ dỡ bỏ những chính sách ưu đãi với giày dép xuất khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ đang tạo cơ hội cạnh tranh thuận lợi hơn cho giày dép xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi đó, hiện Trung Quốc tiếp tục chủ trương giảm ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực da giày để tập trung cho các ngành công nghệ cao nên các đơn hàng gia công giày dép sẽ tiếp tục xu hướng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Thực tế, thời gian qua tỷ trọng kim ngạch giày dép nhập khẩu từ Việt Nam không ngừng tăng. Đối với thị trường EU, EVFTA có hiệu lực từ ngày 01/8/2020 được coi là động lực lớn nhất cho tăng trưởng của ngành giày dép trong thời gian qua. Giày dép là mặt hàng nằm trong danh mục các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có những chuyển biến tích cực về xuất khẩu.
Sau khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, xuất khẩu giày dép các loại của Việt Nam sang thị trường EU dần hồi phục trở lại. Giày dép Việt Nam hiện đang có lợi thế so với các quốc gia cạnh tranh như: Trung Quốc, Myanmar, Ấn Độ và Campuchia…
Bên cạnh các lợi thế truyền thống về nhân công, môi trường chính trị, tham gia vào các FTA song phương và đa phương, thì việc kiểm soát tốt dịch bệnh được dự báo sẽ mang lại ưu thế lớn giúp doanh nghiệp Việt Nam đón được đơn hàng dịch chuyển từ các quốc gia khác.
Kinh tế thế giới dự báo tiếp tục khởi sắc trở lại nhờ chiến lược tiêm chủng vắc xin Covid-19 được thực hiện đồng loạt trên toàn thế giới, thương mại hàng hóa toàn cầu sẽ hồi phục nhanh. Các nền kinh tế lớn của thế giới là Mỹ và EU mở cửa trở lại, thị trường tiêu dùng được phục hồi mạnh mẽ. Nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong đó có hàng da giày… sẽ tăng trở lại. Do vậy, việc tận dụng cơ hội nhằm giữ và giành được các đơn hàng lớn để phục hồi sản xuất trong nước trong bối cảnh dịch bệnh thời gian tới là hết sức quan trọng.