Khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có ở địa phương, các hợp tác xã do thanh niên làm chủ đã thực sự mang lại hiệu quả, tạo việc làm và thu nhập ổn định, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Tốt nghiệp Trung cấp nông nghiệp, chị Lò Thị Dung, dân tộc Thái, ở bản Thẩm Phé, xã Mường Kim, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu tham gia hoạt động đoàn tại địa phương. Nhận thấy mặt nước lòng hồ thủy điện trên địa bàn là lợi thế lớn, chị Dung đã đứng ra huy động thanh niên trong bản góp vốn và vay thêm vốn hỗ trợ từ Trung ương Đoàn để phát triển mô hình nuôi cá lồng.
Là chủ nhiệm Hợp tác xã Thẩm Phé, chị Lò Thị Dung chia sẻ, khó khăn lớn nhất ban đầu là vốn để đầu tư sản xuất, sau đó là nhiều thanh niên trong bản không tin tưởng có thể tận dụng mặt nước lòng hồ để nuôi cá. Sau 1 năm nuôi, lồng cá đầu tiên đã cho hiệu quả, vì thế việc vận động thanh niên mới dễ dàng hơn. Đến nay hợp tác xã đã huy động được hơn 20 thành viên tham gia, với 12 lồng cá lăng, trắm, chép…
Xã Hua Nà, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu, địa phương có lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng phù hợp với nhiều loại cây trồng và chăn nuôi đại gia súc. Từ mô hình trồng ổi ban đầu, đến nay thanh niên trong xã đã thành lập hơn 20 mô hình phát triển kinh tế như: nuôi cá, trồng ổi, dâu tây, dược liệu và chăn nuôi trâu bò sinh sản. Hợp tác xã Hua Nà cũng là mô hình điển hình kinh tế tập thể của tỉnh Lai Châu, với sản phẩm OCOP đặc trưng “ổi Hua Nà”.
Anh Đỗ Văn Tuấn, Bí thư xã đoàn Hùa Nà, huyện Than Uyên chia sẻ: “Hợp tác xã đang quản lý 6ha ổi, khoảng 5.000m2 dâu tây và 5.000m2 cây dược liệu. Hoạt động của hợp tác xã trong thời gian vừa qua đã tạo việc làm cho từ 20 đến 25 lao động địa phương, đặc biệt là cho các bạn trẻ. Trong thời gian tới, Đoàn xã cũng có rất nhiều định hướng cho thanh niên, ví dụ như tiến tới sẽ phát triển về du lịch sinh thái, kết hợp các diện tích cây ăn quả, nhằm tạo đầu ra, tạo thương hiệu của sản phẩm”.
Khai thác triệt để tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, chính quyền các xã trên địa bàn huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu đã định hướng thanh niên khởi nghiệp phát triển kinh tế, gắn với xây dựng nông thôn mới. Khi thanh niên lập nghiệp đều được chính quyền tạo điều kiện tối đa về đất đai và hỗ trợ các nguồn vốn vay. Từ diện tích đồi trọc, bãi đất trống và vùng nước lòng hồ thủy điện mênh mông, sự sáng tạo của tuổi trẻ đã tạo lên hàng trăm mô hình kinh tế hiệu quả.
Anh Đỗ Mạnh Huân, Phó Bí thư Huyện đoàn Than Uyên cho biết, thanh niên lập nghiệp tuy ít kinh nghiệm, nhưng nhiệt huyết thì có thừa. Họ chịu khó học hỏi và sẵn sàng đứng dậy khi thất bại để đạt được thành công. Đến nay, Huyện đoàn Than Uyên đã thành lập được 7 hợp tác xã, mang lại việc làm và thu nhập ổn định từ 5 đến 10 triệu đồng mỗi tháng cho hàng trăm lao động là người dân tộc thiểu số ở địa phương,
Các hợp tác xã do thanh niên làm chủ tại huyện Than Uyên đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động người địa phương.
Cũng theo anh Huân: “Trong các hoạt động tập huấn liên quan đến khởi nghiệp, lập nghiệp của Trung ương đến tỉnh thì chúng tôi đều chọn các đoàn viên, thanh niên tham gia các lớp tập huấn để nâng cao năng lực về khởi nghiệp, lập nghiệp. Hàng năm, Huyện đoàn đều tổ chức các buổi đối thoại liên quan đến khởi nghiệp, lập nghiệp và huy động các đoàn viên, thanh niên của các xã tham gia.
Các mô hình phát triển chủ yếu tập trung vào nông nghiệp như mô hình ổi, cá lồng, chanh leo. Thời gian tới, Huyện đoàn tiếp tục đồng hành cùng với thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp, hướng tới đăng ký các sản phẩm Ocop”.
Những mô hình phát triển kinh tế dưới hình thức liên kết các thành viên hợp tác xã là thanh niên ở Than Uyên đã mang lại hiệu quả thiết thực, với các sản phẩm OCOP mang thương hiệu “Hợp tác xã thanh niên”. Các sản phẩm sản xuất ra đều đảm bảo chất lượng và an toàn cho người sử dụng và xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, để các mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ vươn xa, cũng cần có thêm sự ưu đãi về vốn và chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Theo VOV