Tập Đoàn đã tiến hành rà soát lại và xây dựng các phương án của năm 2021 các đơn vị đủ điều kiện thoái vốn, bao gồm: Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, Cao su Miền Nam, Bột giặt và Hóa chất Đức Giang,…, riêng Công ty Cổ phần DAP Vinachem đã lãi từ năm 2018, thị trường được nhiều người quan tâm, đang chờ ý kiến của Thủ tướng.
Tập đoàn Hoá chất (Vinachem) đã gửi Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước và Bộ Kế hoạch đầu tư báo cáo “kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2021 của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam”.
Năm 2020, Vinachem đạt 40.555,8 tỷ đồng tổng doanh thu, lỗ trước thuế 2.192 tỷ đồng. Năm 2021, với các đơn vị không thuộc Đề án 1468 (12 dự án thua lỗ của Bộ Công Thương), kế hoạch tổng doanh thu đạt 36.314 tỷ đồng, tăng 5,3% thực hiện năm trước, lợi nhuận 1.568 tỷ đồng, giảm 131 tỷ so với thực hiện 2020 (trong đó các công ty đặt kế hoạch giảm như công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam do năm 2020 có hoàn nhập tiền khai thác mỏ 164 tỷ đồng, CTCP Bột giặt LIX do giảm sản lượng tiêu thụ gel rửa tay và CTCP Hoá chất cơ bản miền Nam giảm sản lượng tiêu thụ axit sulphuric).
Với các đơn vị thuộc đề án 1468 (CTCP Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc, CTCP DAP số 2 – Vinachem, công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình) đặt kế hoạch 7.767 tỷ đồng doanh thu, tăng 28% thực hiện 2020, lỗ kế hoạch 2.785 tỷ đồng, giảm lỗ 1.105 tỷ đồng so với ước thực hiện 2020. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu toàn tập đoàn đặt kế hoạch 2021 đạt 572,3 triệu USD trong đó nhập khẩu 237,7 triệu USD, xuất khẩu 334,6 triệu USD.
Giai đoạn 2021-2025 Vinachem sẽ tập trung thực hiện đề án tái cơ cấu trong đó khẩn trương thực hiện cổ phần hoá Tập đoàn mẹ và công ty Apatit, xây dựng kế hoạch, phương án và lộ trình thoái vốn tại CTCP DAP – Vinachem (mã DDV).
Xử lý dứt điểm tranh chấp hợp đồng EPC để sớm thực hiện quyết toán các dự án, làm việc với các ngân hàng để hoàn thiện phương án xử lý tối ưu với 3 dự án sản xuất phân bón đang thua lỗ.
Trả lời báo giới, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho biết còn nhiều công ty con chưa thoái vốn được do vướng mắc về định giá nhà đất và xác định lịch sử văn hoá.
Tập Đoàn đã tiến hành rà soát lại và xây dựng các phương án của năm 2021 các đơn vị đủ điều kiện thoái vốn, bao gồm: Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, Cao su Miền Nam, Bột giặt và Hóa chất Đức Giang,…, riêng Công ty Cổ phần DAP Vinachem đã lãi từ năm 2018, thị trường được nhiều người quan tâm, đang chờ ý kiến của Thủ tướng.
Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho DDV ra khỏi danh sách 12 dự án yếu kém vào năm ngoái. Nhưng ra khỏi dự án yếu kém rồi vẫn chưa thoái được do vướng lỗ luỹ kế 200 tỷ từ năm 2016 để lại. Hiện Tập đoàn đã báo cáo Ủy ban Quản lí vốn Nhà nước và Ủy ban đã báo cáo Thủ tướng, đang chờ quyết định của Thủ tướng đồng ý Tập đoàn triển khai.
Về phương án thoái vốn DDV dự kiến, có thể thoái về dưới 51% hoặc có thể về 0%, Tập đoàn đang xin ý kiến cấp trên về nội dung thoái.
Theo Chủ tịch Vinachem, DAP Vinachem hiện có thị trường tốt, thương hiệu mạnh, làm ăn có lãi và ngày càng hiệu quả. Lợi thế lớn nhất của DDV không phải là thuế tự vệ mà chính là việc hiện công ty đang sở hữu cảng nước sâu chuyên dụng cho hoạt động xuất nhập khẩu hóa chất tại Đình Vũ, Hải Phòng, đây mới là thứ mà các doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm và đánh giá cao.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị