Những năm qua, Quảng Ninh đã có nhiều cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như: Khuyến khích phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung (Nghị quyết 45/2016/NQ-HĐND); khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp (Nghị quyết 11/2016/NQ-HĐND); khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (Nghị quyết 194/2019/NQ-HĐND)… Ngoài triển khai hiệu quả các chính sách theo quy định của Chính phủ, tỉnh còn có các cơ chế riêng để khuyến khích phát triển những sản phẩm thế mạnh. Qua đó nhằm giúp xây dựng thương hiệu vững vàng cho nông sản địa phương, hướng tới thị trường lớn.
Dù sẵn có tiềm năng phát triển, nhưng những năm qua số dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh vẫn chưa có nhiều. Theo báo cáo của Sở KH&ĐT, hiện nay Quảng Ninh có 4 dự án trọng điểm ngoài ngân sách đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đã được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư; 5 dự án đang thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư. Tuy nhiên tiến độ triển khai đều chưa đạt kế hoạch đặt ra.
Nông dân xã Việt Dân, TX Đông Triều thu hoạch na dai.
Đơn cử như dự án Sản xuất giống, nuôi thương phẩm và chế biến thức ăn cho tôm sử dụng công nghệ cao giai đoạn 1 tại TP Cẩm Phả, được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư từ tháng 1/2018. Dù tiến độ được cam kết là đến tháng 1/2019 sẽ đưa dự án vào khai thác, nhưng thực tế chủ đầu tư liên tục đề nghị được gia hạn thực hiện. Đến nay các hạng mục gần như chưa được triển khai. Hay như trong năm 2021, tỉnh chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT phải hoàn thành 4 dự án chuyển tiếp tại địa bàn Vân Đồn, Tiên Yên, Cẩm Phả, Quảng Yên. Ghi nhận thực tế, tiến độ thi công các hạng mục 4 dự án đều chậm so với kế hoạch.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, nguyên nhân chủ yếu là do gặp khó khăn về mặt bằng xây dựng, có tình trạng một số hộ dân chưa đồng thuận với phương án hỗ trợ đền bù. Bởi theo quy định của Luật Đất đai, các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất, nên nhà đầu tư phải tự thỏa thuận với các tổ chức, cá nhân đang quản lý, sử dụng đất để sử dụng địa điểm thực hiện dự án. Một số trường hợp hồ sơ đề xuất dự án của nhà đầu tư chậm bổ sung số liệu cụ thể về hiện trạng sử dụng đất, sử dụng rừng, chưa xác định rõ diện tích phải thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất, sử dụng rừng. Còn có một số đơn vị chưa đảm bảo thời gian lấy ý kiến thẩm định chủ trương đầu tư dự án…
Để tháo gỡ những nút thắt còn tồn tại, tỉnh đang tập trung triển khai loạt giải pháp quyết liệt giúp thu hút mạnh mẽ hơn các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Trong đó, Sở NN&PTNT đã chủ động bám sát quy hoạch của tỉnh và định hướng của ngành để xây dựng danh mục dự án thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Ngày 28/6 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 2055/QĐ-UBND về việc ban hành danh mục dự án kêu gọi, thu hút đầu tư tỉnh Quảng Ninh năm 2021, đinh hướng đến năm 2025. Trong đó có 9 dự án thuộc lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp.
Cũng từ đầu năm 2021 đến nay, các sở, ngành của tỉnh đã tích cực làm việc với nhiều nhà đầu tư tiềm năng để khảo sát thực địa, nghiên cứu đầu tư các dự án quy mô lớn. Nổi bật như Tập đoàn TH, Công ty CP DABACO, Công ty TNHH MTV Năng lượng An Việt. Sở NN&PTNT chủ trì tham mưu UBND tỉnh hoàn thiện hồ sơ đề xuất Bộ NN&PTNT về việc thành lập các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Đầm Hà và TX Đông Triều. Sở cũng phối hợp chặt chẽ cùng các địa phương để nắm bắt tiến độ các dự án, kịp thời giải quyết theo thẩm quyền để tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư; ký kết chương trình phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư để có định hướng thu hút đầu tư phù hợp.
Theo Báo Quảng Ninh điện tử