Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lưu Văn Bản chỉ rõ TP Hải Dương đã được công nhận đạt tiêu chí đô thị loại I năm 2019 nhưng hiện vẫn tồn tại bất cập về hạ tầng giao thông, thiết chế văn hóa, xử lý nước thải. Do đó, phương án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố phải nhìn thẳng vào những hạn chế, vướng mắc để có tính toán hợp lý, lâu dài. Các nội dung điều chỉnh phải dựa trên cơ sở thực tế, định hướng phát triển, thể hiện tầm nhìn chiến lược. TP Hải Dương và đơn vị tư vấn cần xác định nguồn lực triển khai thực hiện. Kinh phí đầu tư, thực hiện quy hoạch cần được hoạch định từ khi làm quy hoạch để tránh lúng túng, bị động.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lưu Văn Bản lưu ý trong phương án điều chỉnh quy hoạch chung TP Hải Dương phải quan tâm việc khai thác tiềm năng, lợi thế của sông Thái Bình, sông Sặt. Coi đây là điểm nhấn trong phát triển kinh tế-xã hội của thành phố trong thời gian tới. Đồng thời phải tính đến phương án di chuyển những công trình không phù hợp ra khỏi khu vực nội thành.
Ông Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam cho ý kiến vào phương án điều chỉnh quy hoạch chung TP Hải Dương
Các ý kiến tham gia tại cuộc họp đều thống nhất phương án điều chỉnh quy hoạch chung TP Hải Dương đến năm 2040 phải nêu bật được sự khác biệt, tầm quan trọng về vị trí địa lý và vị thế của thành phố đối với sự phát triển vùng. Phương án quy hoạch phải bám sát nhiệm vụ quy hoạch đã được phê duyệt và chỉ rõ được lý do phải điều chỉnh quy hoạch. Đánh giá đầy đủ, rõ ràng ưu điểm, nhược điểm của quy hoạch cũ để làm căn cứ xây dựng phương án mới. Định hướng phát triển đặt trong tổng thể không gian đô thị và giá trị cốt lõi là tính văn hóa bản địa, từ đó nâng cao thương hiệu đô thị. Phương án điều chỉnh quy hoạch phải khớp với quy hoạch về đất đai, phù hợp với hệ thống pháp lý hiện hành. Thành phố cần rà soát lại quỹ đất, đánh giá thực trạng sử dụng đất để có phương án bố trí, sử dụng đất hiệu quả. Ngoài ra, quy hoạch phải có tính kế thừa, trên nền tảng cấu trúc đô thị hiện có.
Các đại biểu nhất trí cao việc quy hoạch sông Thái Bình, sông Sặt tạo trục cảnh quan cho thành phố. Có ý kiến cho rằng thành phố nên nghiên cứu hướng phát triển tập trung, dồn lực cho vùng chiến lược thay vì phân trục để tránh dàn trải.
Theo báo cáo phương án điều chỉnh quy hoạch chung TP Hải Dương đến năm 2040, trong định hướng phát triển, thành phố sẽ kế thừa 3 mục tiêu của quy hoạch cũ là thành phố năng động, thành phố văn hóa-lịch sử, thành phố sống khỏe. Đồng thời bổ sung thêm 2 mục tiêu là thành phố xanh, thông minh và thành phố sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu. Thành phố được định hướng phát triển từ đô thị trung tâm hiện hữu xuống phía nam sông Sặt và phía tây sông Thái Bình là khu vực phát triển các khu đô thị tổng hợp, bao gồm các chức năng chính về phát triển dân cư đô thị, giáo dục, dịch vụ thương mại, trung chuyển đầu mối giao thông. Về phía bắc và phía đông thành phố sẽ phát triển đô thị sinh thái và hệ sinh thái nông nghiệp kết hợp du lịch dịch vụ nghỉ dưỡng ven sông, du lịch nông nghiệp.
Theo Báo Hải Dương