Năm 2021, sản phẩm nhãn Sơn La đã chuyển hướng sang tiêu thụ nội địa thông qua các nhà máy chế biến tại tỉnh.
Sơn La có diện tích trồng cây ăn quả lớn, sản lượng nông sản xuất khẩu ra thị trường nước ngoài cao. Tuy nhiên, sau khi Trung Quốc ban hành chính sách “Zero Covid” để tăng cường kiểm soát dịch Covid-19, xuất khẩu nông sản của Sơn La gặp nhiều khó khăn. Tỉnh đang chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường mới, đồng thời đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong nước.
Nhiều mặt hàng tồn kho
Có thâm niên hơn chục năm thu mua sản phẩm chuối tươi xuất bán sang thị trường Trung Quốc, chị Phạm Thị Thúy, xã Mường Bú, huyện Mường La, chia sẻ: Trước đây, trung bình mỗi tháng chị xuất bán sang thị trường Trung Quốc hàng trăm tấn chuối tươi qua cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn và cửa khẩu Kim Thành, tỉnh Lào Cai. Tuy nhiên, từ trung tuần tháng 12/2021 đến nay, chị Thúy phải chuyển hướng sang tiêu thụ nội địa là chính, do Trung Quốc thực hiện chính sách “Zero Covid”.
Chị Thúy chia sẻ, ngày 16/2, chị đã thuê 7 xe tải chở hơn 100 tấn chuối tây lên cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Kim Thành, nhưng chỉ thông quan được một xe, còn sáu xe quay đầu bán tháo cho tư thương với giá 800 đồng/kg. Trong khi giá thu mua từ 4.000 đồng đến 5.500 đồng/kg, chưa kể tiền công bốc vác, bao bì đóng gói sản phẩm và tiền thuê xe… ước tổng thiệt hại từ tháng 12 đến nay là hơn 1 tỷ đồng. Hiện nay, chị Thúy chuyển hướng sang tiêu thụ nội địa theo đơn đặt hàng với sản lượng thu mua chỉ đạt vài chục tấn/tháng.
Ngoài sản phẩm chuối, Sơn La còn tồn kho mặt hàng tinh bột sắn. Một số doanh nghiệp trong lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn khi phải thuê kho chứa và không có vốn quay vòng. Ông Ngô Quang Tuấn, Phó Giám đốc Công ty cổ phần tinh bột sắn Phú Yên-Chi nhánh tỉnh Sơn La, thông tin: Theo kế hoạch niên vụ 2021-2022, nhà máy thu mua 120 nghìn tấn củ sắn tươi, chế biến 28 nghìn tấn tinh bột sắn. Đến nay, nhà máy đã thu mua 90 nghìn tấn sắn củ tươi, sản xuất 23 nghìn tấn tinh bột sắn. Công ty mới xuất khẩu được 5.000 tấn tinh bột sắn sang Trung Quốc, 3.000 tấn xuất bán nội địa. Số tinh bột còn tồn kho, công ty phải thuê hai kho ở Lạng Sơn để bảo quản với giá 30 triệu đồng/tháng/kho từ cuối tháng 11/2021 đến nay.
Chuyển hướng thị trường xuất khẩu
Để chủ động sản xuất và tiêu thụ nông sản, tỉnh Sơn La đã củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo 589 tỉnh về chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các đơn vị, các huyện, thành phố tăng cường hoạt động giám sát đối với diện tích đã cấp chứng chỉ VietGAP, GlobalGAP, mã số vùng trồng; tiếp tục xây dựng, cấp các mã vùng trồng mới; tập trung tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực, kỹ thuật thu hái, sơ chế, bảo quản cho lao động tại các doanh nghiệp, hợp tác xã.
Bên cạnh đó, tỉnh hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao khả năng thu gom, bao tiêu và ký kết hợp đồng với đơn vị chế biến, xuất khẩu. Tỉnh chỉ đạo Sở Công thương tập trung làm tốt công tác xúc tiến thương mại, thường xuyên cập nhật tình hình thông quan tại các cửa khẩu với Trung Quốc để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã định hướng sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu sản phẩm.
Bà Đỗ Thị Bích Châu, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Sơn La, cho biết: UBND tỉnh Sơn La đã ban hành kế hoạch xuất khẩu sản phẩm hàng hóa năm 2022, trong đó, dự báo sản lượng từng loại nông sản, thời vụ thu hoạch, định hướng thị trường tiêu thụ và các giải pháp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị với mục tiêu phấn đấu giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu đạt 174 triệu USD, tăng 7,94% so với năm 2021. Trong đó, nông sản, thực phẩm tham gia xuất khẩu đạt 162,5 triệu USD, tăng 8,3% so với năm 2021.
Nông sản Sơn La sắp vào vụ thu hoạch, ngoài những thị trường truyền thống, tỉnh Sơn La đã đưa ra các giải pháp mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là các thị trường đã có Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, như nông sản chế biến sang thị trường Liên minh châu Âu, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc-Ai len, sản phẩm trái cây tươi sang thị trường các nước ASEAN…
Ông Lù Văn Cường, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Yên Châu thông tin thêm: Năm nay, ngoài thị trường Trung Quốc, huyện hướng đến xuất khẩu mặt hàng trái cây sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Mông Cổ, Úc… Huyện đã chủ động kết nối, mời gọi các doanh nghiệp, đơn vị đầu mối mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tập trung đầu tư phát triển chế biến nông sản, phấn đấu giá trị hàng hóa xuất khẩu năm 2022 ước đạt 4,162 triệu USD, sản lượng 6.440 tấn với các sản phẩm chủ lực là xoài, nhãn.
Hiện tại, tỉnh Sơn La đang yêu cầu các sở, ban, ngành chức năng, các huyện, thành phố tìm hiểu những chính sách quy định mới của Trung Quốc về nhập khẩu để có giải pháp ứng phó kịp thời và hạn chế rủi ro. Củng cố và đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng chủ lực đang xuất khẩu hay đã đứng chân tại thị trường này. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong tỉnh xây dựng chiến lược lâu dài trong việc tạo lập kênh phân phối tại thị trường Trung Quốc; thành lập các điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và sản phẩm đặc trưng của tỉnh…
Mới đây, tại cuộc họp bàn về việc chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, nhấn mạnh: Việc chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch là cuộc cách mạng cần có sự kiên trì, sẵn sàng của cả hệ thống sản xuất, thương mại. Do đó, phải có lộ trình để tổ chức lại sản xuất, thị trường, ngành hàng và cả hiệp hội ngành hàng. Nếu không tổ chức sản xuất thì sẽ không chuẩn hóa được vùng nguyên liệu, không truy xuất được nguồn gốc sản phẩm và không có sản phẩm để đưa vào xuất khẩu chính ngạch.
Thực tế đang đặt ra nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, nhưng với sự chủ động vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các huyện, thành phố và các doanh nghiệp, hợp tác xã, tỉnh Sơn La sẽ từng bước hiện thực hóa và đạt mục tiêu kế hoạch, lộ trình đề ra trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản, dần chuyển từ xuất khẩu ủy thác và tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch.
Theo Nhandan