Sớm đưa Thành phố Hồ Chí Minh trở thành Trung tâm Tài chính quốc tế

Quang cảnh hội thảo Đề án “Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh thành Trung tâm Tài chính quốc tế”.

Ngày 25/2, UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo về Đề án “Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh thành Trung tâm Tài chính quốc tế” thu hút đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, các doanh nghiệp và đại diện các bộ, ngành liên quan tham dự.

Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, để hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược Thành phố Hồ Chí Minh trở thành Trung tâm Tài chính quốc tế đặt ra rất nhiều thách thức cho thành phố. Song, có thể thấy thành phố đang hội tụ cả lợi thế, tiềm năng, yêu cầu phát triển và quyết tâm chính trị cho việc xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế. 

Với lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện chính trị, xã hội ổn định và sự năng động kinh tế, thành phố đã và đang là “đầu tàu” chủ yếu của nền kinh tế cả nước. Mặc dù chưa được xếp hạng trong Chỉ số Trung tâm Tài chính toàn cầu (GFCI), nhưng thành phố đang dẫn đầu danh sách 10 trung tâm tài chính tiềm năng được xem xét để đưa vào danh sách xếp hạng Chỉ số GFCI chính thức với 148/150 hạng mục đã hoàn thành đánh giá. Với tiềm năng và sự phát triển mạnh mẽ thành phố sẽ củng cố động lực tăng trưởng cho Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, góp phần vào sự phát triển chung của Việt Nam cả trên phương diện nội tại lẫn trên trường quốc tế.

Về thị trường tài chính, chỉ tính riêng hệ thống ngân hàng, trên địa bàn thành phố có hội sở chính của 12/35 ngân hàng thương mại trong nước; 4/9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài; 31/52 chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Ngoài ra, còn có các phòng giao dịch, chi nhánh của các ngân hàng thương mại trong nước và ngân hàng 100% vốn nước ngoài khác và các công ty tài chính, cho thuê tài chính… Năm 2020, vốn huy động trên địa bàn thành phố chiếm 28% tổng vốn huy động cả nước, cho thấy nhu cầu hoạt động tài chính ở khu vực Thành phố Hồ Chí Minh là rất lớn.

Sớm đưa Thành phố Hồ Chí Minh trở thành Trung tâm Tài chính quốc tế -0
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng (bên trái) trao đổi với các chuyên gia về Đề án “Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh thành Trung tâm Tài chính quốc tế”.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng cho biết, để hình thành và vận hành hiệu quả các Trung tâm Tài chính tầm cỡ khu vực và quốc tế cần rất nhiều nỗ lực thực hiện, bao gồm định hướng mô hình phù hợp, xây dựng cơ chế chính sách, khuôn khổ pháp lý, phát triển cơ sở hạ tầng, nền tảng công nghệ và nguồn nhân lực, xác định các chính sách chiến lược mang tính đột phá để có thể cạnh tranh, thu hút, mời gọi các nhà đầu tư, tập đoàn tài chính lớn.

Các chuyên gia cũng cho rằng, quốc tế đánh giá Thành phố Hồ Chí Minh có tiềm năng trở thành Trung tâm Tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này trong thời gian sớm nhất, thành phố cần đặt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngân hàng số, Fintech (tài chính công nghệ). Đồng thời, cần chú trọng về định hướng “đi tắt, đón đầu” vào ngân hàng số và Fintech để tạo nét riêng của Trung tâm Tài chính quốc tế.

Thành phố cũng cần xây dựng sở giao dịch hàng hóa phái sinh với bản chất là giao dịch tài chính. Cần có sự đa dạng hóa hơn nữa các thị tường tài chính của thành phố như: hình thành thị tường mua bán-sáp nhập, thị trường mua bán nợ…

Theo Đề án “Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh thành Trung tâm Tài chính quốc tế”, trong giai đoạn 2021-2025, định hướng phát triển Thành phố Hồ Chí Minh thành Trung tâm Tài chính quốc gia với các nền tảng vững chắc và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để trở thành Trung tâm Tài chính khu vực từ năm 2026 đến 2045. Trung tâm Tài chính quốc tế phát triển tầm cỡ khu vực và được xếp hạng trong nhóm 50 Trung tâm Tài chính hàng đầu thế giới của Chỉ số GFCI vào năm 2030 và trong nhóm 20 Trung tâm Tài chính hàng đầu thế giới vào năm 2045.

Theo Nhandan.vn

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo