Thông tin từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam cho biết, kết thúc ngày giao dịch hôm qua (27/6), sắc xanh đã quay trở lại bảng giá hàng hóa thế giới sau tuần giảm điểm mạnh. Tuy nhiên, diễn biến phân hóa khiến chỉ số MXV-Index chỉ tăng nhẹ 0,25% lên mức 2.782 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở có sự sụt giảm, đạt hơn 3.800 tỷ đồng.
Ngô và lúa mì tiếp tục suy yếu
Đà giảm của ngô đã tiếp tục được đẩy mạnh trong ngày hôm qua. Giá hợp đồng ngô kỳ hạn tháng 12 mở cửa đã sụt giảm và lực bán vẫn chiếm ưu thế trong phiên tối. Chốt ngày, mặt hàng này đánh mất 3,12%, đóng cửa ở mức 257,07 USD/tấn. Những kỳ vọng của thị trường vào 2 báo cáo quan trọng được công bố thứ 5 tuần này là yếu tố chính lý giải cho diễn biến của mặt hàng này.
Cụ thể, thị trường kỳ vọng rằng con số diện tích gieo trồng tại Mỹ sẽ cao hơn so dự báo mà Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đưa ra trong báo cáo tháng 3. Cùng với đó, triển vọng thời tiết không quá khắc nghiệt sẽ giúp năng suất vẫn ổn định và từ đó bảo đảm mức sản lượng năm nay sẽ được cải thiện.
Trong khi đó, giá lúa mì hợp đồng kỳ hạn tháng 9 cũng duy trì xu hướng giảm với phiên thứ 6 liên tiếp đóng cửa trong sắc đỏ, xuống mức 337,13 USD/tấn. Mỹ và châu Âu đang ở trong giai đoạn thu hoạch, nguồn cung ở Nga có dấu hiệu nới lỏng hơn đã khiến cho giá giảm về mức thấp nhất kể từ đầu tháng 3 cho tới nay.
Cơ quan theo dõi mùa vụ của Liên minh châu Âu (MARS) đã nâng dự báo sản lượng lúa mì niên vụ 22/23 của Nga lên mức 88,8 triệu tấn, cao hơn 16% so cùng kỳ năm trước. Mặc dù không gây quá nhiều bất ngờ đối với thị trường do trước đó các hãng tư vấn khác cũng dự báo sản lượng lúa mì năm nay của Nga sẽ đạt mức kỷ lục nhờ thời tiết thuận lợi, nhưng thông tin này đã củng cố thêm triển vọng về nguồn cung từ nước này và đã gây áp lực lên giá. Thêm vào đó, hãng tư vấn IKAR cho biết giá FOB đối với lúa mì của Nga trong tuần trước là 400 USD/tấn, thấp hơn nhiều so mức 420 USD/tấn của tuần trước đó. Đây là yếu tố đã gây sức ép lên giá lúa mì trong phiên.
Nhóm đậu tương đồng loạt tăng giá
Ở hướng ngược lại, nhóm đậu tương cho thấy dấu hiệu hồi phục khi các mặt hàng đều đóng cửa trong sắc xanh. Lực bán từ tuần trước vẫn tiếp tục được duy trì trong phiên sáng khiến giá đậu tương tạo đà giảm nhẹ ngay khi mở cửa phiên giao dịch. Tuy nhiên giá đã hồi phục trở lại và giữ được sắc xanh cho đến khi đóng cửa. Đặc biệt, dầu đậu vẫn tiếp tục là mặt hàng tăng mạnh nhất nhóm khi được hỗ trợ từ diễn biến dầu thô và dầu cọ, chốt ở sát mức 1.448 USD/tấn, tăng 1,12%.
Những số liệu dự đoán của Reuters trước Báo cáo Diện tích gieo trồng sắp phát hành của USDA cũng tác động đáng kể đến giá đậu tương. Theo đó, hãng tin này đã hạ mức dự đoán diện tích gieo trồng đậu tương của Mỹ xuống 90,45 triệu mẫu, từ mức 90,95 triệu mẫu trong dự báo tháng 3 của USDA. Điều này gây ra lo ngại về việc sụt giảm sản lượng mùa vụ đậu tương hiện tại ở Mỹ, từ đó tạo hỗ trợ cho giá mặt hàng này.
Ngoài ra, trong báo cáo Giao hàng xuất khẩu do Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) phát hành vào tối qua, các số liệu giao hàng được đánh giá tương đối tích cực. Cụ thể, giao hàng đậu tương trong tuần từ 17/6 đến 23/6 của Mỹ đạt 468.309 tấn, cao hơn so mức 428.322 tấn trong báo cáo trước đó và mức 111.250 tấn trong cùng kỳ năm ngoái. Đây là thông tin cũng góp phần hỗ trợ giá đậu tương hồi phục trở lại.
Giá dầu đậu cũng tiếp tục hồi phục trong phiên hôm qua trước những số liệu cho thấy xuất khẩu dầu cọ của Malaysia đang bị hạn chế. Mới đây, hãng tin Amspec Agri ước tính khối lượng xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ trong 25 ngày đầu tháng 6 của nước này đạt 888.288 tấn, giảm 19,6% so mức 1,11 triệu tấn cùng kỳ tháng trước. Đáng chú ý, cũng trong tối qua, hãng tin Reuters cho biết sau khi giá dầu cọ thô giảm mạnh nhất trong vòng 13 năm qua, một số nhà máy xay xát dầu cọ ở Malaysia đã tạm dừng sản xuất do phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động và chi phí đầu vào cao. Điều này đã khiến cho lo ngại về nguồn cung dầu cọ bị thắt chặt quay trở lại, từ đó hỗ trợ giá dầu thực vật và gián tiếp hỗ trợ giá dầu đậu tương.
Giá kim loại hồi phục sau tuần lao dốc
Trong khi đó, sắc xanh bao phủ lên hầu hết các mặt hàng kim loại sau khi trải qua tuần giao dịch đỏ lửa trước đó. Giá bạc có phiên thứ 2 tăng giá với mức tăng 0,2% lên 21,168 USD/ounce. Trong khi đó, bạch kim gần như không thay đổi nhiều so phiên trước, chốt ở mức hơn 904 USD/ounce. Cả bạc và bạch kim đều có một phiên diễn biến tương đối giằng co.
Vào tối qua, Bộ Thương mại Mỹ cho biết số đơn đặt hàng hóa lâu bền bất ngờ tăng 0,7% trong tháng 5, cao hơn con số tăng 0,4% vào tháng trước đó và đánh bại dự đoán tăng ít ỏi 0,1% của các chuyên gia kinh tế. Doanh số nhà chờ bán trong tháng 5 lần đầu tiên tăng trưởng kể từ tháng 11/2021, hoàn toàn trái ngược kỳ vọng giảm 3,7%. Các dữ liệu này cho thấy nhu cầu của người tiêu dùng vẫn mạnh mẽ bất chấp lo ngại về mức lãi suất cao sẽ dẫn đến một cuộc suy thoái kinh tế. Điều này đã một phần củng cố cho sự tín nhiệm của các nhà đầu tư về một cuộc “hạ cánh mềm” theo lời chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell phát biểu, tức là đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát mà không đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái. Bạc và bạch kim do đó đã nhận được động lực tăng giá trong phiên giao dịch hôm qua.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, đồng COMEX có phiên tăng thứ 2 liên tiếp, tuy nhiên mức tăng khiêm tốn gần 0,6% lên 3,76 USD/pound vẫn không thể giúp đồng bù đắp cho những phiên lao dốc vào cuối tuần trước. Đáng chú ý, giá quặng sắt đã có phiên phục hồi mạnh mẽ 5% lên mức 119.84 USD/tấn. Bên cạnh những dữ liệu cho thấy sức tiêu dùng tốt hơn kỳ vọng tại Mỹ, các thông tin cơ bản tương đối tích cực về nền kinh tế Trung Quốc trong tháng 6 đã hỗ trợ đà tăng của giá kim loại cơ bản.