Phát triển thương mại lâm sản bền vững

Vườn cao-su đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững của Công ty TNHH một thành viên Cao-su Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương).

Thời gian qua, lĩnh vực xuất khẩu lâm sản đạt nhiều kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy vậy, đứng trước những thách thức mới của diễn biến thị trường quốc tế, các doanh nghiệp phải nâng cao năng lực hơn nữa để tìm kiếm cơ hội, đẩy mạnh chất lượng và lợi thế cạnh tranh của sản phẩm, thúc đẩy thương mại lâm sản bền vững…

Thích ứng linh hoạt

Chế biến lâm sản là một trong những ngành kinh tế mang lại lợi nhuận cao cho Việt Nam, với tổng doanh thu xuất khẩu hằng năm đạt từ 14 đến 17 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng nhanh của ngành lâm nghiệp trong thời gian qua, ngoài sự nỗ lực vươn lên của các doanh nghiệp, có đóng góp rất lớn từ sự thông thoáng của hệ thống pháp luật kinh doanh trong nước, cùng với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được ký kết như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và EU (EVFTA), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… Các hiệp định này có mức độ cam kết cao, toàn diện giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới, góp phần tăng cường kết nối thương mại giữa Việt Nam và các khu vực, quốc gia trên thế giới.

Hiện nay, các doanh nghiệp chế biến lâm sản trong nước đang nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh hướng tới xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường có lợi nhuận cao như châu Âu, Nhật Bản, Mỹ… Tuy nhiên, đây là những thị trường đòi hỏi khắt khe đối với các sản phẩm lâm sản nhập khẩu, từ chất lượng cho tới tính hợp pháp, cũng như tác động về mặt xã hội và môi trường của sản phẩm. Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, yêu cầu về bảo đảm nguồn gốc hợp pháp tại nhiều thị trường nhưng do thích ứng nhanh, linh hoạt với tình hình mới, xuất khẩu lâm sản vẫn tiếp tục đạt được những kết quả tích cực với giá trị kim ngạch không ngừng tăng lên hằng năm.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các doanh nghiệp lâm nghiệp, năm 2022, cùng với dịch bệnh, thế giới đối diện với căng thẳng chính trị leo thang đã gây trở ngại thêm cho chuỗi cung ứng vốn đã có nhiều khó khăn trước đó. Giá logistics và giá nguyên vật liệu đều tăng cao khiến chi phí đầu vào của các doanh nghiệp biến động mạnh. Điều này đang làm yếu đi lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu lâm sản, nhất là trong những tháng “nước rút” từ nay đến cuối năm.

Phó Tổng cục trưởng Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Bùi Chính Nghĩa cho rằng, để đạt mục tiêu xuất khẩu đạt 17 tỷ USD vào năm 2022 và 20 tỷ USD vào năm 2025 theo Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì ngành chế biến lâm sản xuất khẩu đang gặp một số thách thức. Đó là, Mỹ tiếp tục thực hiện điều tra các vụ kiện thương mại; chủ nghĩa bảo hộ của các quốc gia nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có xu hướng tăng.

Thị hiếu của người tiêu dùng các sản phẩm gỗ tại một số thị trường châu Âu thay đổi từ sử dụng đồ mộc ngoại thất bằng các loại sản phẩm thay thế như nhựa, sắt thép và các vật liệu thân thiện với môi trường. Chuỗi cung ứng sản xuất bị đứt gãy do ảnh hưởng của chiến tranh Nga-Ukraine, đại dịch Covid-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp; đặc biệt các thị trường chính xuất khẩu lâm sản của Việt Nam ngày càng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc gỗ hợp pháp.

Lợi thế của Việt Nam đối với ngành xuất khẩu lâm sản thời gian qua là do có môi trường sản xuất an toàn nhờ kiểm soát dịch Covid-19 một cách chặt chẽ, trong khi hàng loạt quốc gia phải tạm dừng sản xuất hoặc đóng cửa nhà máy. Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện các doanh nghiệp ngành gỗ nhất là đồ gỗ nội thất đã thích ứng được tình hình mới, ổn định sản xuất. Các doanh nghiệp đã bắt tay vào đầu tư công nghệ, phát triển sản phẩm mới và sử dụng hiệu quả kênh tiếp thị, tăng cường giao thương trực tuyến tìm các đối tác nước ngoài mở rộng xuất khẩu.

Phát triển thương mại lâm sản bền vững -0
                                                  Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty cổ phần GOVINA (Bắc Kạn). 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã có sự thay đổi rất lớn về mẫu mã và phong cách bán hàng, bắt kịp những tiêu chuẩn xuất khẩu và chủ động tiếp thị sản phẩm, trong khi các sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam đang từng bước đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của người tiêu dùng trên thế giới nhất là các thị trường khó tính. Theo dự báo, nửa cuối năm 2022, kim ngạch xuất khẩu lâm sản của Việt Nam sang thị trường Mỹ, Nhật Bản, EU sẽ tăng mạnh trở lại, khi các thị trường dần nới lỏng các biện pháp phòng dịch, mở cửa thông thương thuận tiện hơn.

Nền kinh tế thế giới khởi sắc sẽ là một trong những yếu tố hỗ trợ xuất khẩu lâm sản của Việt Nam sang thị trường này tăng mạnh. Một trong những việc mà các doanh nghiệp cần phải làm lúc này là kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu lâm sản nhập khẩu. Trong đó, hoạt động xuyên suốt là việc truy xuất, chứng minh nguồn gốc hợp pháp, hoạt động này tiêu tốn nhiều nguồn lực của doanh nghiệp và rất khó có thể thực hiện thành công bằng phương pháp thủ công.

Yêu cầu sống còn

Phát triển thương mại bền vững là xu hướng tất yếu của ngành lâm sản. Tuy nhiên, thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp là cách thức tích hợp phát triển thương mại bền vững vào các chiến lược ngắn, trung và dài hạn. Bên cạnh đó, việc đầu tư cũng đang gây những trở ngại lớn đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn có tầm nhìn ngắn hạn, quỹ đầu tư yếu. Chuyển đổi số, thay đổi tập quán giao thương truyền thống để phù hợp với thương mại toàn cầu dựa trên nền tảng công nghệ trực tuyến đòi hỏi năng lực trình độ chuyên môn, vốn, nền tảng hạ tầng kỹ thuật.

Trong khi các khoản đầu tư cho chuyển đổi mô hình phát triển thương mại bền vững thường lớn và không phải lúc nào cũng hiển thị kết quả ngay lập tức. Khó khăn ấy càng lớn trong giai đoạn các doanh nghiệp vừa trải qua một thời kỳ khủng hoảng do dịch Covid-19 và bây giờ phải đối mặt với bất ổn chính trị quốc tế, giá xăng dầu, phí vận chuyển tăng cao.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) Đỗ Xuân Lập, từ lâu nay, ngành gỗ Việt Nam đã quen với việc sử dụng gỗ nguyên liệu được khai thác từ rừng trồng để đưa vào sản xuất, chế biến xuất khẩu. Tuy nhiên, khi đến với các thị trường lớn, các sản phẩm lâm sản của Việt Nam phải đối diện với những rào cản kỹ thuật khắt khe, sự cạnh tranh khốc liệt thông qua các quy định thương mại quốc tế.

Các doanh nghiệp chế biến lâm sản cần nhận thức được rõ quy định cũng như thị hiếu tiêu dùng tại các thị trường trên và đã chấp hành nghiêm túc quy định, yêu cầu này. Ngành gỗ nói riêng và lâm sản nói chung hiện cũng đang phải sử dụng rất nhiều nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ các thị trường có nền lâm nghiệp phát triển, rừng được trồng, quản lý và khai thác bền vững, nên đòi hỏi các doanh nghiệp nhập khẩu phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định quốc tế mà Việt Nam đã cam kết. Trong đó, có các cam kết mà Chính phủ đã ký liên quan đến phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, Công ước về buôn bán quốc tế đối với các loài nguy cấp (CITES) và Hiệp định Đối tác tự nguyện (VPA/FLEGT). Việc thực thi các quy định phát triển lâm sản bền vững đang đặt ra cấp bách hơn bao giờ hết và là yêu cầu sống còn.

Phó Chủ tịch Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (HAWA) Nguyễn Chánh Phương cho rằng, thay đổi phương thức tiếp cận thương mại hiện không chỉ riêng của ngành chế biến gỗ Việt Nam mà của cả thế giới. Trong mục tiêu chuyển đổi số ngành chế biến gỗ, các doanh nghiệp phải đồng hành cùng Chính phủ, đẩy mạnh số hóa, xóa bỏ vướng mắc trong quá trình chứng minh nguồn gốc hợp pháp gỗ rừng trồng, bước chuẩn bị hết sức cần thiết để có thể đưa gỗ, sản phẩm gỗ trong nước ra thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường EU.

Để phát triển thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế, phấn đấu để Việt Nam nằm trong nhóm các nước hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021-2030”. Theo đó chỉ đạo, trong thời gian tới, cần hình thành các khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp chế biến gỗ và doanh nghiệp sản xuất vật liệu phụ trợ.

Phát triển, mở rộng các khu, cụm công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản tại các địa phương có tiềm năng, lợi thế phát triển. Thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng, nguyên, nhiên, vật liệu, phát triển các nhóm sản phẩm gỗ có lợi thế cạnh tranh, giá trị gia tăng, nhu cầu sử dụng cao, ổn định trên thị trường. Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, xây dựng cơ sở dữ liệu, chuyển đổi số các hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp và ứng dụng công nghệ thông tin để bán hàng trực tuyến hoặc qua các sàn thương mại điện tử.

Theo Nhandan

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo