Phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa

Phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa - Ảnh 1.
Phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa - Ảnh 1.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tiếp tục chương trình nghị sự kỳ họp thứ 3, chiều 24/5, Quốc hội nghe báo cáo và thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa là cần thiết.

Khánh Hòa là tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng của cả nước, có nhiều tiềm năng, lợi thế để bứt phá phát triển và thúc đẩy lan tỏa tích cực đến phát triển vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Tại Nghị quyết số 09-NQ/TW, Bộ Chính trị yêu cầu phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển tỉnh Khánh Hòa nhanh và bền vững, để đến năm 2030 “là thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở phát huy cao độ tiềm năng, lợi thế về biển, là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc và kết nối quốc tế; là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao; là nơi nhân dân có mức sống cao, hiền hòa và hạnh phúc; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc”.

Tầm nhìn đến năm 2045, Khánh Hòa là “thành phố đáng sống, thông minh, bền vững, bản sắc, ngang tầm khu vực châu Á; là hình mẫu của sự gắn kết giữa phát triển kinh tế-xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh”.

Bộ Chính trị đã giao nhiệm vụ “xây dựng, thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, phân cấp quản lý nhà nước bảo đảm tương đồng với các thành phố lớn khác trong cả nước, phù hợp vai trò, vị trí và tầm quan trọng của tỉnh Khánh Hòa trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia về biển, đảo của Tổ quốc”.

Thực tiễn tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 53-KL/TW của Bộ Chính trị cho thấy nếu không có cơ chế, chính sách đặc thù thì tỉnh Khánh Hòa rất khó thực hiện được các bước đột phá để trở thành đô thị hạt nhân, đạt được các tiêu chí để trở thành đô thị trực thuộc Trung ương và hoàn thành các mục tiêu như Nghị quyết của Bộ Chính trị đã đề ra. Trong khi đó, một số tỉnh, thành phố có Nghị quyết riêng của Bộ Chính trị như: Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng trước đây và gần đây là các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, TP. Hải Phòng, TP. Cần Thơ đã được Quốc hội cho phép thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù và bước đầu phát huy hiệu quả.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội nhằm tạo công cụ pháp lý hữu hiệu để phát huy mọi tiềm năng, lợi thế tạo đột phá về phát triển kinh tế – xã hội, góp phần xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 như mục tiêu Bộ Chính trị đã đề ra.

Dự thảo Nghị quyết được xây dựng trên các quan điểm chỉ đạo: Phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng; phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Khánh Hòa theo Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị; đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính khả thi trong thực tiễn. Đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội khác với các luật hiện hành hoặc chưa được quy định cụ thể; bảo đảm tính tương đồng với các tỉnh, thành phố trong cả nước có Nghị quyết riêng của Bộ Chính trị. Quy định cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh Khánh Hòa phải phù hợp với bối cảnh thực tiễn phát triển của địa phương và phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của Nhà nước, trên cơ sở huy động đa dạng các nguồn lực xã hội để tập trung vào phát triển nhanh kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, từng bước giải quyết các thách thức, đáp ứng yêu cầu phát triển của giai đoạn phát triển mới…

Thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai khẳng định Ủy ban TCNS cho rằng việc ban hành Nghị quyết là cần thiết vì về căn cứ chính trị, Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị (Nghị quyết 09) đã khẳng định rõ yêu cầu cần có cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Về căn cứ thực tiễn, Khánh Hòa có đặc thù về vị trí địa lý, nằm ở trung tâm các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ, giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của cả nước; có quần đảo Trường Sa, khu căn cứ quân sự Cam Ranh, tâm điểm kết nối giữa vùng Tây Nguyên với Nam Trung bộ. Phát triển tỉnh Khánh Hòa có vai trò quan trọng trong giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; tác động lan tỏa vùng miền.

Về căn cứ pháp lý, Quốc hội có thẩm quyền ban hành Nghị quyết để thí điểm một số chính sách mới chưa có luật điều chỉnh.

Bà Vũ Thị Lưu Mai đề nghị các vị ĐBQH quan tâm, tập trung thảo luận các nội dung lớn đối với dự thảo nghị quyết về: cơ chế quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý quy hoạch, đất đai; thực hiện chuẩn bị thu hồi đất tại Khu kinh tế Vân Phong và huyện Cam Lâm; thí điểm tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; phát triển Khu kinh tế Vân Phong; phát triển kinh tế biển tại tỉnh Khánh Hòa…

Sau khi nghe báo cáo, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết này.

Theo Chinhphu.vn

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo