Công bố logo và slogan du lịch tỉnh Kon Tum.
Sáng 24/4, tại thành phố Kon Tum, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tỉnh Kon Tum tổ chức Diễn đàn “Du lịch Kon Tum – Tiềm năng và triển vọng” nhằm tìm các giải pháp phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh cho sự phát triển du lịch Kon Tum nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung.
Khoảng 600 đại biểu là lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Kon Tum, Tổng cục Du lịch; lãnh đạo một số bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và sở quản lý du lịch; Hiệp hội Du lịch Việt Nam; chuyên gia du lịch, kinh tế; các tập đoàn, doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, vận chuyển…
Nằm ở phía bắc Tây Nguyên, tỉnh Kon Tum được thiên nhiên ưu đãi với nhiều thắng cảnh đẹp, văn hóa đặc sắc, có tiềm năng phát triển du lịch, như núi Ngọc Linh thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, nơi lưu giữ nhiều hệ động thực vật quý hiếm trong đó có sâm Ngọc Linh; cột mốc Ba biên Việt Nam-Lào-Campuchia; khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen-Kon Plông vốn được mệnh danh thiên đường sinh thái với không khí trong lành, quanh năm mát mẻ…
Đây cũng là vùng đất có lịch sử lâu đời với truyền thống cách mạng hào hùng, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên.
Diễn đàn tập trung thảo luận về tiềm năng và triển vọng phát triển du lịch tỉnh Kon Tum; các giải pháp để xây dựng sản phẩm, xúc tiến du lịch, xúc tiến đầu tư, tăng cường liên kết, đẩy mạnh thu hút khách tới Kon Tum.
Trong khuôn khổ Diễn đàn cũng sẽ diễn ra lễ Công bố Kế hoạch phát triển du lịch khu vực Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; lễ Công bố và giới thiệu logo và slogan du lịch tỉnh Kon Tum “Trải nghiệm văn hóa – Khám phá thiên nhiên”; các hoạt động ký kết hợp tác giữa tỉnh Kon Tum với các địa phương, hiệp hội, các doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, Kon Tum có đầy đủ yếu tố về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa, có tình người của đồng bào các dân tộc thiểu số mang đậm bản sắc dân tộc, chan chứa, hiền hòa, qua đó kiến tạo nên các sản phẩm du lịch. Kon Tum không chỉ có vị trí quan trọng về địa lý, mà còn có nhiều di tích, di sản văn hóa có giá trị lớn.
“Hy vọng các doanh nghiệp tham dự diễn đàn sẽ kết nối nhu cầu đến với điểm đến Kon Tum, để các nhà đầu tư nhìn thấy tiềm năng của Kon Tum, khi nhu cầu cao, lượng khách đến đông thì du lịch Kon Tum sẽ phát triển. Muốn đi xa phải cùng nhau đi, đồng hành cùng nhau trên con đường phát triển du lịch. Kỳ vọng sau diễn đàn, du lịch Kon Tum nói riêng, du lịch Tây Nguyên và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ nói chung sẽ khởi sắc, bắt kịp đà phát triển du lịch của cả nước”, đồng chí Nguyễn Văn Hùng bày tỏ.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Kon Tum Nguyễn Văn Bình cho biết: Kon Tum xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh đến năm 2025, gắn mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững, tạo sinh kế cho người dân, tạo dấu ấn riêng, độc đáo, đặc sắc. Tăng cường các hoạt động xúc tiến quảng bá, hợp tác phát triển du lịch bằng các sự kiện, chương trình quảng bá du lịch với các tỉnh miền trung Tây Nguyên và các nước trong khu vực hành lang kinh tế đông-tây, góp phần thu hút lượng khách du lịch đến Kon Tum.
Đồng thời, Kon Tum tiếp tục mở rộng liên kết với các tỉnh trong khu vực qua các tuyến du lịch trong nước và quốc tế như: Tuyến du lịch Con đường xanh Tây Nguyên; tuyến du lịch hành trình di sản Đông Dương; tuyến du lịch caravan qua các nước Thái Lan, Campuchia, Lào và Việt Nam xuyên qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y.
Theo Nhandan