Phấn đấu xây dựng môi trường đầu tư hiện đại

Quý I/2022 và cả năm 2021, tỉnh Quảng Trị đã có những bước tiến hết sức mạnh mẽ, tích cực trên mọi mặt, nhất là tăng trưởng kinh tế luôn nằm ở nhóm dẫn đầu miền Trung và cả nước. Đặc biệt những năm gần đây, Quảng Trị đã trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Hướng đến kỷ niệm những ngày lễ lớn trong năm và 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị 1/5 (1972-2022); 47 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 (1975-2022), Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị VÕ VĂN HƯNG trả lời phỏng vấn Báo Quảng Trị để thông tin thêm về vấn đề này.

– Thưa ông! Chúng ta đang sống trong không khí của những ngày kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị và 47 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhân dịp này, đề nghị ông khái quát những thành tựu nổi bật nhất về kinh tế, xã hội mà năm 2021 tỉnh đã đạt được?

– Hướng đến kỷ niệm những ngày lễ lớn trong năm và 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị 1/5 (1972-2022); 47 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 (1975-2022), quý I/2022 và cả năm 2021, tỉnh Quảng Trị đã có những bước tiến hết sức mạnh mẽ, tích cực trên mọi mặt, nhất là tăng trưởng kinh tế luôn nằm ở nhóm dẫn đầu miền Trung và cả nước. Năm 2021, tỉnh có bước đột phá ấn tượng với tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 6,5%, đứng thứ 3 trong 14 tỉnh, thành vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; đứng thứ 18 toàn quốc. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, các dự án đầu tư lớn đang được tích cực triển khai, trong đó có những dự án lớn nhất từ trước đến nay. Đời sống người dân các vùng miền có nhiều cải thiện đáng kể về vật chất, tinh thần. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 57 triệu đồng/năm. Bước ra khỏi khói lửa của chiến tranh, nhất là từ sau khi lập lại tỉnh vào năm 1989, tỉnh Quảng Trị có thêm điều kiện để tập trung phát triển bằng tư duy đột phá và sáng tạo của những thế hệ luôn biết san sẻ yêu thương để trở thành một khối đoàn kết vững chắc. Đặc biệt những năm gần đây, Quảng Trị đã trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.

– Thưa ông, trong hệ sinh thái về lợi thế mà tỉnh đang kêu gọi thu hút đầu tư, đâu là lợi thế nổi trội nhất?

– Quảng Trị đang đón nhận làn sóng đầu tư thế hệ mới hết sức tích cực, đặc biệt là các dự án năng lượng, giao thông, sân bay, cảng biển, công nghệ, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản có giá trị cao. Tuy nhiên, một trong những lợi thế nổi bật nhất để kêu gọi đầu tư đó là Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ có định hướng cho tỉnh Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của miền Trung và cả nước vào năm 2030 trên cơ sở tiềm năng các dự án năng lượng điện gió, khí hóa lỏng LNG và các mỏ khí tự nhiên ngoài khơi tỉnh Quảng Trị như Kèn Bầu, Báo Vàng.

– Ông có thể cho biết chi tiết hơn tình hình các dự án năng lượng đang đầu tư ở tỉnh?

– Hiện thực hóa chủ trương của Thủ tướng Chính phủ và sự ủng hộ của Chính phủ, tỉnh Quảng Trị cùng nhà đầu tư vừa khởi công hợp phần kỹ thuật Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng ở Khu kinh tế Đông Nam, giai đoạn 1 công suất 1.500 MW với tổng số vốn đầu tư hơn 54 nghìn tỉ đồng. Phấn đấu vào quý I/2023 sẽ xây dựng nhà máy và đến 2026 – 2027 sẽ phát điện.

Bên cạnh đó, về phía Tây của tỉnh có 31 dự án điện gió đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch và đang triển khai đầu tư xây dựng với tổng công suất hơn 1.177MW, trong đó có 19 dự án có công suất phát điện thương mại hơn 671MW đã hoàn thành, đưa vào vận hành. Theo tính toán, khi tất cả 31 dự án điện gió đều đi vào hoạt động thì hằng năm Quảng Trị thu ngân sách thêm được gần 600 tỉ đồng. Đồng thời, còn có 52 dự án điện gió khác đang trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt bổ sung quy hoạch; 8 dự án điện gió đang triển khai khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ bổ sung quy hoạch với tổng công suất 1.670 MW…Tỉnh quyết tâm biến khó khăn thành lợi thế, phấn đấu đạt từ 8.000 đến 10.000 MW/năm vào năm 2030, giúp tỉnh tạo ra đột phá lớn về thu ngân sách, phục vụ phát triển KT-XH. Để đạt được mục tiêu này, trước mắt tỉnh tiếp tục hỗ trợ Công ty Điện lực quốc tế Thái Lan (EGATI) và Công ty Gazprom International sớm hoàn tất thủ tục đầu tư để triển khai xây dựng nhà máy nhiệt điện Quảng Trị 1 công suất 1.320 MW và nhà máy điện khí công suất 340MW tại Khu kinh tế Đông Nam.

Với 3.000 MW còn lại giai đoạn 2 của dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng, tỉnh đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành trung ương sớm cập nhật bổ sung cùng các dự án đã được phê duyệt trong sơ đồ quy hoạch Điện VII, Điện VIII vào quy hoạch điện lực quốc gia để tỉnh làm cơ sở triển khai đầu tư, kêu gọi các nhà đầu tư trong thời gian tới bằng những chính sách hấp dẫn.

– Để thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư lớn đến với Quảng Trị, theo ông tỉnh cần phải làm gì ?

– Lợi thế tự nhiên dù có lớn bao nhiêu và thuận lợi như thế nào thì vẫn chưa đủ cho nhu cầu phát triển của tỉnh. Vì vậy, cần phải tăng các ưu đãi hấp dẫn về thuế cũng như chính sách tốt nhất để thu hút các nhà đầu tư tiềm năng đến với tỉnh Quảng Trị đầu tư phát triển hạ tầng cứng và hạ tầng mềm nhằm tăng cường liên kết vùng và sức cạnh tranh của tỉnh. Cần có sự đồng hành mạnh mẽ của các ban, ngành, chính quyền địa phương để hỗ trợ, hướng dẫn nhà đầu tư trong quá trình thực hiện đầu tư và cấp phép phê duyệt dự án kịp thời.

Đặc biệt môi trường đầu tư cần phải được tạo dựng trên nền tảng từ những sản phẩm quy hoạch chất lượng, đẳng cấp quốc tế. Vì vậy, tỉnh đang tiến hành lập Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quyết định được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng bởi quy hoạch tốt sẽ định hướng chiến lược phát triển tỉnh với tầm nhìn dài hạn, từ đó dẫn dắt, kết nối thúc đẩy đầu tư xã hội, giúp Quảng Trị phát triển nhanh và bền vững trong tương lai. Bên cạnh các đơn vị tư vấn trong nước, tỉnh đã mời các đơn vị quy hoạch quốc tế uy tín hỗ trợ địa phương lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch một số khu vực trọng điểm.

– Thưa ông, “phân khúc” chọn nhà đầu tư được tỉnh đang hướng đến như thế nào?

– Để thu hút nhà đầu tư, tỉnh Quảng Trị quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, ưu tiên lớn nhất cho nhà đầu tư trên cơ sở đúng pháp luật. Tạo sự chuyển biến tích cực trong việc xây dựng hình ảnh thân thiện, an toàn, hiệu quả để các nhà đầu tư yên tâm khi đến đầu tư và tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh. Tỉnh có thể chọn ít nhà đầu tư, nhưng phải là những nhà đầu tư lớn, có tầm vóc, trên cơ sở sử dụng ít tài nguyên, sử dụng công nghệ tiên tiến, tạo ra nhiều việc làm, các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Nhằm hỗ trợ các nhà đầu tư, tỉnh quyết tâm đẩy mạnh quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng, sớm khởi công đưa vào khai thác các dự án: Khu công nghiệp Quảng Trị, cảng hàng không Quảng Trị, cảng Cửa Việt, đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông – Tây, cao tốc đường bộ Cam Lộ – Lao Bảo và kết nối các công trình giao thông của tỉnh với hệ thống giao thông quốc gia nhằm dẫn dắt các nội ngành kinh tế cùng phát triển.

– Nói đến khu vực trọng điểm thì Quảng Trị tuy có nhiều khu công nghiệp nhưng vẫn thiếu những điểm nhấn, ông có thể cho biết cách giải “bài toán” này như thế nào?

– Quảng Trị có Khu kinh tế Đông Nam rộng lớn, Khu công nghiệp Quán Ngang, Khu công nghiệp Tây Bắc Hồ Xá… nhưng đúng là chưa có những điểm nhấn công nghiệp đủ mạnh như Trường Hải ở Chu Lai (Quảng Nam) hay lọc hóa dầu Bình Sơn, Dung Quất (Quảng Ngãi) để thúc đẩy mạnh hơn nữa cho nền kinh tế của tỉnh phát triển. Vì vậy, tỉnh quyết tâm cùng sự giúp đỡ của Chính phủ và các bộ, ban, ngành trung ương, nhà đầu tư để đưa dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn 1 sớm xây dựng hoàn thành đi vào hoạt động, kéo theo sự phát triển khu phức hợp gồm cảng nhập khẩu LNG đáp ứng quy mô nhà máy; kho chứa LNG; kho tái hóa khí; hệ thống đường ống dẫn khí từ trạm tái hóa đến nhà máy điện khí; hệ thống truyền tải điện; các công trình hạ tầng, kỹ thuật… phục vụ cho toàn bộ trung tâm, tạo thành khu công nghiệp vững mạnh.

Cùng với đó là quyết tâm trong năm 2022 khởi công cảng nước sâu Mỹ Thủy, cố gắng đưa vào sử dụng vào năm 2025, kéo theo sự vận hành của hệ thống logistics đường bộ và cảng biển phục vụ phát triển kinh tế. Tỉnh sẽ ưu tiên đầu tư thêm những điểm nhấn công nghiệp khác nữa để tạo tiềm lực, sớm cân bằng vị thế với các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước. Tỉnh xác định công nghiệp năng lượng là lĩnh vực đột phá, một trong 3 trụ cột chính để phát triển kinh tế và phấn đấu đến năm 2025 trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước; đến năm 2030 thuộc nhóm khá của cả nước như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII đề ra.

– Xin cảm ơn ông!

Theo QTO

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo