Gấp rút xây nhà xưởng, tích cực gom quỹ đất để chuẩn bị cho các dự án bất động sản logistics hiện đại là cách thức nhà đầu tư nước ngoài thâm nhập thị trường Việt Nam.
Nhiều nhà đầu tư ngoại đang gom đất để xây dựng các dự án logistics |
Sôi động
Hạng mục logistics khá đậm đặc trong danh mục các dự án bất động sản mà nhà đầu tư nước ngoài đăng ký đầu tư trong 5 tháng đầu năm 2021. Bất động sản công nghiệp không còn là “cứ điểm” riêng của các nhà đầu tư châu Á khi thị trường xuất hiện nhân tố mới từ Mỹ, với “tân binh” DLH USA LLC đăng ký đầu tư 35 triệu USD cho dự án đầu tư văn phòng, nhà xưởng xây sẵn; xây dựng và phát triển hệ thống kho bãi tại Lô CN10, Khu công nghiệp Yên Phong mở rộng (Bắc Ninh).
Theo nguồn tin của Báo Đầu tư, DLH dự kiến khởi công dự án trong quý này và đưa dự án đi vào hoạt động chính thức trong quý I năm sau.
Một dự án bất động sản logistics đáng kể khác có quy mô hơn 80,6 triệu USD do “gương mặt thân quen” BW Industrial (Hà Lan) đầu tư tại Khu công nghiệp Tân Phú Trung, TP.HCM.
Ở góc độ mở rộng đầu tư, chủ đầu tư từ Hồng Kông đã bơm thêm hơn 8,9 triệu USD cho Dự án xây dựng Trung tâm công nghiệp GNP Yên Bình tại Thái Nguyên, nâng tổng vốn đầu tư dự án này lên 24,9 triệu USD.
Bà Nguyễn Thị Vũ Anh, Giám đốc kinh doanh Công ty Gaw NP Industrial, chủ đầu tư Dự án Trung tâm công nghiệp GNP Yên Bình cho biết, Công ty đang chuẩn bị mở rộng diện tích nhà xưởng xây sẵn của Trung tâm công nghiệp GNP.
“Điều quan trọng nhất hiện nay là xác định được thời điểm nền kinh tế Việt Nam và toàn cầu trở về trạng thái bình thường mới, đặc biệt là trong bối cảnh chuỗi cung cầu đang bị gián đoạn và thay đổi nghiêm trọng. Gaw NP Industrial đang xem xét và điều chỉnh kịch bản, chiến lược đầu tư kinh doanh để có thể đối phó với khủng hoảng do Covid-19 trong 12 – 24 tháng tới”, bà Nguyễn Thị Vũ Anh nói.
Phía Gaw NP Industrial nhận định, từ nay đến cuối năm 2021 nguồn cung bất động sản logistics (kho bãi, nhà xưởng cho thuê) vẫn thiếu. Đối tượng khách hàng mà Trung tâm công nghiệp GNP Yên Bình nhắm đến là doanh nghiệp nhỏ và vừa – những nhà cung ứng cho các thương hiệu lớn có nhà máy tại khu vực lân cận như Samsung (tại Thái Nguyên và Bắc Ninh), Foxconn, LG.
Theo tiến độ đề ra, Dự án Trung tâm công nghiệp GNP Yên Bình giai đoạn I hoàn thiện 39.691 m2 nhà xưởng vào tháng 1/2021 và giai đoạn II hoàn thiện 40.272 m2 nhà xưởng trong tháng 6. Đến nay, cả 2 giai đoạn xây dựng Trung tâm công nghiệp GNP Yên Bình đều đã hoàn thành, các khách thuê chuẩn bị đi vào hoạt động.
Trong khi đó, liên doanh được SEA Logistic Partners (SLP) – nhà phát triển và vận hành hạ tầng logistics quy mô lớn ở Đông Nam Á và GLP – đơn vị quản lý đầu tư và vận hành kho bãi lớn nhất ở Trung Quốc, vẫn có bước đi mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam. Được thành lập vào tháng 10/2020, liên doanh này đã tích cực gom quỹ đất cho kế hoạch phát triển các dự án bất động sản logistics hiện đại ở Việt Nam.
Dư địa còn rất lớn
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư về những bước đi tại thị trường Việt Nam, ông Kent Yang, đối tác sáng lập của SLP cho biết, liên doanh này đang tập trung thu gom quỹ đất để phát triển các dự án bất động sản logistics và mở rộng đội ngũ kinh doanh. “Hiện chúng tôi thu gom được 5 khu đất với tổng diện tích gần 700.000 m2, đều nằm ở vị trí chiến lược tại hai thị trường trọng điểm là Hà Nội và TP.HCM”, ông Kent Yang nói.
Có thể thấy, quỹ đất 700.000 m2 mà liên doanh SLP-GLP đang nắm giữ cao gấp 2 lần so với con số mà SLP cam kết thu gom từ thị trường Hà Nội, TP.HCM và khu vực lân cận.
“Chúng tôi đang xúc tiến đầu tư khoảng 1 tỷ USD để phát triển các dự án bất động sản logistics hiện đại ở Việt Nam trong vòng 3-4 năm tới”, ông Kent Yang nhấn mạnh.
Theo phân tích của đại diện SLP, bất động sản logistics ở Việt Nam mới ở giai đoạn phát triển ban đầu. Dù sự quan tâm đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài và dòng vốn chảy vào lĩnh vực này tăng lên, nhưng hạ tầng logistics Việt Nam vẫn đang trong quá trình phát triển và dư địa còn rất lớn khi tỷ lệ không gian logistics trên đầu người của Việt Nam hiện chỉ bằng 1/30 của Mỹ và 1/3 so với Trung Quốc.
Tại Đông Nam Á, Việt Nam là một trong những thị trường hấp dẫn nhất hiện nay. Điều mà SLP và liên doanh của họ nhìn thấy ở Việt Nam là một thị trường có nền kinh tế đang phát triển với tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh chóng.
Đại diện SLP cho biết: “Covid-19 khiến hoạt động mua sắm trên môi trường trực tuyến tăng tốc mạnh mẽ, kéo theo nhu cầu về bất động sản logistics từ các khách hàng thương mại điện tử của chúng tôi tăng lên”. Vị này cũng dẫn chứng dữ liệu cơ sở khách hàng toàn cầu của GLP cho thấy lượng khách hàng kinh doanh trên môi trường mạng hiện chiếm khoảng 40%, tăng mạnh so với tỷ trọng 20 – 25% cách đây 5 năm. “Chúng tôi kỳ vọng tác động của Covid-19 sẽ thúc đẩy nhiều nhu cầu hơn đối với dịch vụ logistics tại Việt Nam”, ông Kent Yang nói.
Các chuyên gia Colliers Việt Nam đánh giá, thị trường thương mại điện tử được thúc đẩy nhanh chóng thời Covid-19, làm gia tăng nhu cầu kho hàng tại nhiều nơi. Trên thực tế, có một lượng ổn định các khu công nghiệp mới đang chờ phê duyệt và xây dựng để đáp ứng lượng khách thuê ngày một tăng. Đơn cử, Long An đã được phê duyệt bổ sung 3 khu công nghiệp mới vào quy hoạch quốc gia, còn 6 địa phương của Đồng Nai cũng lên kế hoạch xây dựng thêm các khu công nghiệp quy mô từ 200 đến 900 ha để giải quyết tình trạng thiếu diện tích.
Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.
Theo Baodautu