Hiện nay 100% diện tích cam Vinh trồng tại Nghệ An đã được các cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh, huyện triển khai các biện pháp quản lý an toàn thực phẩm theo quy định như cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, ký cam kết an toàn thực phẩm, sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp tốt,… hỗ trợ chứng nhận vùng trồng, hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc, cơ bản sản phẩm cam Vinh tiêu thụ tại siêu thị, cửa hàng bán lẻ đều được gắn tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá cao sản phẩm cam Vinh. Ảnh: Quang An
Công tác kết nối, tiêu thụ cam Vinh được tỉnh Nghệ An đặc biệt chú trọng trong những năm qua. Năm 2019, UBND tỉnh Nghệ An đã phối hợp với Trung tâm thương mại BigC Thăng Long tổ chức giới thiệu, quảng bá cam Vinh tại Hà Nội. Hàng năm các Sở, ngành: Nông nghiệp và PTNT; Công thương, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch, UBND các huyện trồng cam đã chủ động đưa sản phẩm cam Vinh giới thiệu tại các Hội chợ triển lãm, quảng bá sản phẩm tại thị trường trong và ngoài nước; tổ chức các Hội chợ tại địa phương, các Hội nghị kết nối tiêu thụ. Các Doanh nghiệp, HTX, hộ trồng cam Vinh đã chủ động xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm tại thị trường trong và ngoài nước.
Mặc dù vậy, kênh tiêu thụ cam Vinh chính hiện nay vẫn chủ yếu là do thương lái địa phương thu mua và tiêu thụ. Để nâng cao giá trị cam Vinh rất cần thiết mở rộng thị trường, đẩy mạnh các kênh tiêu thụ thông qua online, hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch và bán qua các trung tâm thương mại trong cả nước, sàn thương mại điện tử.
Ông Matoko Inaba, đại diện tổ chức JICA tại Việt Nam cam kết sẽ hỗ trợ Nghệ An trong thúc đẩy chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp. Ảnh: Quang An
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh ghi nhận và đánh giá cao các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Nghệ An, đặc biệt là cam Vinh. Bộ Nông nghiệp và PTNT trong những năm qua cũng xác định cam là nông sản chủ lực và chỉ đạo các địa phương, đơn vị tăng cường đầu tư, phát triển trong đó Nghệ An là một trong những địa phương có kế hoạch phát triển cam Vinh bài bản, tạo ra sản phẩm cam Vinh đạt chất lượng cao trên thị trường.
Để cam Vinh phát triển bền vững, đồng chí Lê Quốc Doanh yêu cầu tỉnh Nghệ An tập trung làm tốt các khâu từ giống, trồng, chăm sóc đến thu hoạch, bảo quản và tiêu thụ. Trong điều kiện dịch Covid – 19 ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường, tỉnh Nghệ An cần đẩy mạnh liên kết, áp dụng khoa học công nghệ, đưa sản phẩm cam lên các sàn thương mại điện tử, các kênh online để tăng khả năng tiêu thụ.
Mặc dù là sản phẩm chủ lực tuy nhiên Nghệ An không nên phát triển “nóng” cây cam, tăng diện tích ồ ạt, nhất là những vùng không phù hợp mà thay vào đó cần tập trung nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, quảng bá thương hiệu.
Các nhà phân phối, siêu thị ký cam kết với những đơn vị sản xuất cam Vinh để tiêu thụ sản phẩm trong thời gian tới. Ảnh: Quang An
Tại hội nghị, đại diện các hộ sản xuất, nhà phân phối, các siêu thị cũng đã chia sẻ những thuận lợi, khó khăn trong quá trình sản xuất, tiêu thụ cam Vinh. Các đơn vị đã tiến hành ký cam kết với các hộ sản xuất để đưa sản phẩm cam Vinh vào các hệ thống siêu thị, các kênh bán lẻ, các trang thương mại điện tử… trong thời gian tới.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND Nghệ An tỉnh trân trọng cảm ơn Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Lê Quốc Doanh, đại diện các Bộ, ngành, tỉnh bạn, các doanh nghiệp đã chia sẻ, đồng hành cùng với Nghệ An trong việc thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, đặc biệt là cam Vinh.
Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu – Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Quang An
Tỉnh Nghệ An mong muốn và hi vọng thời gian tới tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm hơn nữa từ các Bộ, ban, ngành Trung ương, các tỉnh bạn, nhà phân phối, sàn thương mại điện tử và người tiêu dùng trên cả nước để thương hiệu cam Vinh vươn xa hơn, xâm nhập vào các thị trường trong nước và quốc tế.
Tỉnh Nghệ An cũng cam kết tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến hợp tác, đầu tư kinh doanh lâu dài tại tỉnh, nhất là các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến, bảo quản, tiêu thụ và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp tỉnh nhà nói chung và cam Vinh nói riêng.