Khai thác dầu khí tại mỏ Tê Giác Trắng.
Nhờ triển khai linh hoạt các giải pháp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, chủ động trong quản trị, điều hành, hơn 5 tháng qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các đơn vị thành viên đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu quan trọng, tăng từ 20% đến 59% so cùng kỳ năm 2021. Thời điểm hiện tại, các đơn vị trong ngành vẫn duy trì tốt nhịp độ tăng trưởng, bảo đảm ổn định sản xuất và nghiên cứu, bám sát thị trường để có kế hoạch sản xuất phù hợp, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Hoàn thành vượt mức chỉ tiêu
Theo lãnh đạo Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (PVFCCo), do chủ động trong điều hành, ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào, cho nên thời điểm dịch bệnh căng thẳng vừa qua, nhiều nơi bị đứt gãy nguồn cung, nhưng các nhà máy thuộc PVFCCo vẫn ổn định sản xuất, đạt công suất tối đa và bảo đảm chất lượng sản phẩm.
Tính đến giữa tháng 5, tổng sản lượng sản phẩm do các đơn vị của PVFCCo sản xuất vẫn đạt khoảng 443 nghìn tấn phân bón và hóa chất các loại, tăng mạnh so cùng kỳ năm 2021; sản lượng tiêu thụ đạt hơn 450 nghìn tấn, đạt hơn 41% kế hoạch năm. Trong thời gian tới, đơn vị phấn đấu giữ vững nhịp độ sản xuất, kinh doanh nhằm hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, đồng thời tích cực điều độ sản phẩm tới các vùng miền nhằm phục vụ kịp thời nhu cầu sản xuất vụ hè thu của nông dân.
Tương tự, dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng trong bốn tháng qua, Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro vẫn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh; trong đó, sản lượng khai thác quy dầu đạt hơn một triệu tấn, tương ứng đạt 105% kế hoạch, nộp ngân sách gần 405 triệu USD, tương ứng 188,6% kế hoạch.
Trước diễn biến khó lường của thị trường, nhất là giá nguyên liệu, vật tư và cước vận chuyển có xu hướng tăng cao, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cân đối chi phí sản xuất của đơn vị, Vietsovpetro đã xây dựng nhiều giải pháp nhằm thích ứng mọi tình huống, bảo đảm ổn định sản xuất, kinh doanh, hướng tới mục tiêu đạt sản lượng khai thác quy dầu đạt hơn 740 nghìn tấn, hoàn thành chế tạo khối chân đế 2 công trình BK trong tháng tới.
Đại diện Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR-đơn vị quản lý Nhà máy Lọc dầu Dung Quất) cho biết, nhờ tận dụng tốt cơ hội thị trường khi nhu cầu ở mức cao cho nên đơn vị đã tăng công suất nhà máy và đang vận hành 112% công suất thiết kế để tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Trong quý I, BSR đạt lợi nhuận 2.345 tỷ đồng, đạt 167% kế hoạch năm. Đối với Tổng công ty khí Việt Nam (PVGas), tất cả hệ thống, công trình khí của đơn vị đều vận hành an toàn và hiệu quả, cấp khí, sản phẩm khí liên tục,… Trong bốn tháng qua, PVGas đã cung cấp 2,7 tỷ m3 khí khô, bằng 88% kế hoạch; sản xuất và cung cấp 41 nghìn tấn condensate, bằng 180% kế hoạch; sản xuất và kinh doanh 760 nghìn tấn LPG, bằng 146% kế hoạch,…
Tận dụng nguồn lực, thúc đẩy sản xuất
Vào lúc 22 giờ 52 phút ngày 12/5 vừa qua, dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đã tiến hành hòa lưới điện bằng dầu Tổ máy số 1 thành công, vượt 7 ngày so tiến độ đề ra. Đây là dấu mốc quan trọng của dự án, khẳng định quyết tâm, nỗ lực của PVN và các bên liên quan nhằm sớm hoàn thành, đưa nhà máy vào vận hành và phát điện thương mại theo đúng tiến độ.
Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN Hoàng Quốc Vượng, sau sự kiện hòa lưới điện Tổ máy số 1 Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, khối lượng công việc còn rất lớn, vì vậy, Ban quản lý dự án, tổng thầu và các bên liên quan cần phối hợp chặt chẽ, thi đua lao động sản xuất để hoàn thành các mốc tiến độ, nhất là mốc đốt than lần đầu vào ngày 16/6 tới.
Công tác triển khai đầu tư tiếp tục được PVN đẩy mạnh, đặc biệt tại các dự án trọng điểm. Tại các dự án trọng điểm khác như dự án nghiên cứu mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1, dự án kho cảng LNG Sơn Mỹ,… cũng được lãnh đạo Tập đoàn thường xuyên quan tâm, tìm các giải pháp thúc đẩy tiến độ thực hiện.
Đặc biệt, ngày 28/4 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp đi thị sát và chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc, khó khăn đối với Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1. Ngoài ra, PVN và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đã tiến hành ký hợp đồng mua bán điện Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 giai đoạn vận hành thương mại,…
Số liệu thống kê của PVN cho thấy, sản lượng khai thác dầu thô trong năm tháng qua của các đơn vị trong tập đoàn đạt 4,55 triệu tấn, vượt 22% kế hoạch; sản xuất xăng dầu đạt 2,79 triệu tấn, vượt 6% kế hoạch; sản xuất đạm đạt 776,4 nghìn tấn, vượt 8% kế hoạch, bằng 46% kế hoạch năm, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 372,2 nghìn tỷ đồng, vượt 63% kế hoạch, tăng 58%; nộp ngân sách đạt 52,8 nghìn tỷ đồng, vượt 74% kế hoạch, đạt 82% kế hoạch năm và tăng 59% so với cùng kỳ năm 2021.
Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng nhận định, trong thời gian tới, dự báo ngành vẫn tiếp tục đối diện nhiều khó khăn, nhất là sự bất ổn về tình hình kinh tế thế giới, các vấn đề địa chính trị, thị trường trong và ngoài nước,… cho nên các đơn vị cần tận dụng tốt nguồn lực, thúc đẩy đầu tư cho mục tiêu phát triển bền vững.
Đặc biệt, tập trung nghiên cứu, đánh giá, dự báo tình hình kinh tế vĩ mô và thị trường để cập nhật, điều chỉnh trong phương án quản trị điều hành, lưu ý vấn đề cung-cầu, bất ổn về giá và làn sóng lạm phát; kiên quyết giữ mục tiêu tăng trưởng, mục tiêu sản lượng sản xuất, khai thác dầu, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến để tận dụng cơ hội thị trường; tận dụng hệ thống mở rộng thị phần các sản phẩm khí,…
“Tập đoàn cũng tiếp tục chỉ đạo, thúc đẩy đầu tư nhằm sớm hoàn thành các dự án trọng điểm, hoàn chỉnh các báo cáo nghiên cứu cơ hội đầu tư cho các dự án chiến lược, đồng thời tạo điều kiện, hỗ trợ các đơn vị thành viên tham gia, thực hiện các dự án; đẩy mạnh chương trình nghiên cứu khoa học dài hạn trong từng lĩnh vực, đặc biệt coi CO2 là tài nguyên để tập trung nghiên cứu, tận dụng, đồng bộ với dịch chuyển năng lượng,… nhằm bảo đảm phát triển ổn định, bền vững”, Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Theo Nhandan